Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri

- Thứ Tư, 31/03/2021, 06:11 - Chia sẻ
Cũng như các địa phương trong cả nước, 2016 - 2021 là nhiệm kỳ đầu tiên Bắc Giang thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Với hành lang pháp lý thuận lợi, hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Giang đã có nhiều đổi mới, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Những kết quả nổi bật này ngày càng củng cố vai trò, vị thế của HĐND tỉnh trong bộ máy chính quyền địa phương.

Quyết sách sát thực tế, hợp lòng dân

Là tỉnh thuộc khu vực trung du, miền núi, song trong giai đoạn 2016 - 2020, Bắc Giang đã trở thành “điểm sáng” của cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Đóng góp tích cực vào kết quả chung ấn tượng ấy, không thể không kể đến các quyết sách của HĐND trong nhiệm kỳ. Theo đánh giá của các đại biểu HĐND tỉnh, việc ban hành nghị quyết đã được HĐND tỉnh thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Các nghị quyết thông qua tại kỳ họp đều được các Ban của HĐND tỉnh khảo sát, thẩm tra chặt chẽ với sự tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu, chuyên gia và đối tượng chịu tác động. Nhiều vấn đề đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các đơn vị liên quan tham gia giải trình, làm rõ, nhất là các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Do đó, khi được thông qua, các nghị quyết của HĐND tỉnh luôn bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp thực tế và có tính khả thi cao…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động, phục vụ hoạt động HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021

Chia sẻ thêm về nhận định này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 239 nghị quyết (165 nghị quyết áp dụng pháp luật, 74 nghị quyết quy phạm pháp luật). Nghị quyết áp dụng pháp luật tập trung chủ yếu cho các nội dung: Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng, hàng năm; phân bổ, quyết toán ngân sách địa phương, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công; công tác tổ chức cán bộ và lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu...

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo ra sự chuyển biến rõ nét ở nhiều lĩnh vực; góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Đơn cử như: Nghị quyết số 06, 07 về chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn đã tạo ra phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển chưa từng có từ trước đến nay. Kết quả, chỉ trong hơn 2 năm (cuối năm 2017 và năm 2018, 2019), toàn tỉnh đã bê tông hóa theo tiêu chuẩn và quy chuẩn 4.231km đường giao thông; góp phần đưa tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt 95% (tăng 15%); đường xã đạt 97% (tăng 27%); đường thôn, bản 87% (tăng 32%)... so với năm 2015.

Hay các nghị quyết quy định chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được đông đảo các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách đặc thù hỗ trợ và cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Đến nay, trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; xây dựng được 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 56 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng và 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; tiếp tục duy trì vùng trồng cây ăn quả Lục Ngạn là một trong những vùng có quy mô lớn nhất cả nước...

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành cho biết: Các nghị quyết quy định những chính sách đặc thù của tỉnh cơ bản đều đi vào cuộc sống, được cử tri và Nhân dân đón nhận, phát huy hiệu quả là do đã xác định, lựa chọn những vấn đề đúng và trúng; bảo đảm bám sát chủ trương của Tỉnh ủy, phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của địa phương…

Nhiều điểm nhấn trong tổ chức, hoạt động

Bên cạnh ban hành các nghị quyết, quyết định các vấn đề của địa phương “đúng, trúng, phù hợp” với thực tiễn, cử tri cũng đánh giá hoạt động giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã được HĐND tỉnh đổi mới, đi vào thực chất. Nội dung chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Nhất là những vấn đề nổi cộm, phức tạp được cử tri quan tâm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; bồi thường giải phóng mặt bằng; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự; các vấn đề an sinh xã hội… Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn. Các thủ trưởng, trưởng ngành trả lời trực tiếp vào vấn đề, không vòng vo, né tránh, kéo dài thời gian. Sau kỳ họp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đều tổ chức thực hiện các giải pháp đã nêu trong nội dung trả lời chất vấn, báo cáo kết quả bằng văn bản với Thường trực HĐND để tiếp tục khảo sát, đánh giá, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp tiếp theo.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề cũng được HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh quan tâm và có nhiều đổi mới với 44 cuộc được tổ chức trong nhiệm kỳ. Thông qua giám sát chuyên đề, nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong nhiều lĩnh vực đã được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời như: Hoạt động đấu giá, đấu thầu; cho thuê nhà xưởng; đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch đất đai, đô thị; quản lý tài nguyên, khoáng sản, môi trường; cải cách hành chính.... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; đóng góp thiết thực vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong nhiệm kỳ, hoạt động giải trình tại các phiên họp hằng tháng cũng được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Qua giải trình, đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề; chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, bất cập ở một số lĩnh vực như: Công tác thi hành án dân sự liên quan đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng; hoạt động cho thuê và thuê lại nhà xưởng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; một số vấn đề trong thực hiện thu, quản lý, sử dụng các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập…

Về hoạt động TXCT, nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng ghi nhận nhiều đổi mới cả nội dung lẫn hình thức theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, công khai. Cử tri được được bố trí thời gian thỏa đáng để phát biểu. Các ý kiến, kiến nghị được tổng hợp, phân loại và chuyển kịp thời đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả thực hiện tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp xúc cử tri tại 1.415 điểm với tổng số gần 110 nghìn cử tri tham dự; hơn 22 nghìn lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được gửi đến HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành, để có được kết quả trên, HĐND tỉnh luôn nhận được sự quan tâm hướng dẫn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Tỉnh ủy. Quan trọng hơn cả, cử tri và Nhân dân trong tỉnh luôn đồng hành, ủng hộ, đóng góp ý kiến để HĐND tỉnh phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình.                                

Nguyễn Ánh