ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) cơ bản tán thành với các trường hợp được xét thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn theo quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rạch ròi giữa trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ trong việc nâng lương.
Theo đại biểu Trần Nhật Minh, khoản 5, Điều 1, dự thảo Luật quy định “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn để xét quân hàm sĩ quan cấp tá và nâng lương sĩ quan trước thời hạn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này”, gây nên cách hiểu khác nhau. Theo đó Bộ Quốc phòng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn về nâng lương có thời hạn hay chỉ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn để xét quân hàm?
Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 1, dự thảo Luật lại quy định: “Bộ Nội vụ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp đối với sĩ quan”. Vậy nội dung này có trùng với thẩm quyền của Bộ Quốc phòng không?
Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ chỉ giao Bộ Nội vụ quy định để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về tiền lương.
Về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, một số đại biểu đề nghị nên sửa đổi theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) lưu ý, ngoài cấp bậc quân hàm còn có độ tuổi chuyên nghiệp, chuyên môn. Ví dụ, bác sỹ đào tạo trong quân đội, Đại tá 57 tuổi nghỉ hưu - như vậy một nguồn nhân lực chất lượng cao của quân đội đào tạo cho các bệnh viện bên ngoài, trong khi sĩ quan Quân đội là bác sĩ có thể làm việc lên đến 60 tuổi.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tuổi không chỉ phụ thuộc vào cấp bậc quân hàm mà còn phụ thuộc vào các ngành nghề đặc thù của Quân đội.
Đại biểu Trần Đức Thuận cũng đề nghị, ngoài cấp bậc quân hàm theo Luật quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể nâng tuổi nghỉ hưu cho sĩ quan hoặc cho phép nghỉ hưu sớm tùy theo yêu cầu của Quân đội trong từng thời kỳ, nhằm tạo không gian cho Bộ Quốc phòng chủ động sử dụng nguồn lực của mình.