Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn

- Thứ Năm, 22/07/2021, 06:02 - Chia sẻ
Thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, diễn biến phức tạp và những hệ lụy của đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều đạo luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng, chống dịch bệnh...

Có cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống dịch Covid-19? 

"Chúng ta đã và đang chứng kiến đại dịch Covid-19 diễn ra hai năm qua, lan tràn toàn cầu, gây chao đảo cả thế giới, nhiễm bệnh đến 200 triệu người, gây tử vong hơn 3 triệu người. Đây là một dịch bệnh nguy hiểm, nhanh, không một lời thách đấu, nhưng hết sức lì lợm và ác liệt", ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Ông nêu rõ, chúng ta đã trải qua hơn 18 tháng chống dịch rất thành công, song, đợt bùng phát dịch lần thứ tư này diễn ra quá nhanh, đã lan gần 60 tỉnh, thành phố. Dịch bệnh đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, chỉ trong chưa đầy 2 tháng, con số nhiễm bệnh đã tăng lên đến gần 50 nghìn người. Tổn hại về sức khỏe, tâm lý, của cải, kinh tế, công ăn việc làm, an sinh xã hội của đất nước là rất lớn. Điều nguy hiểm hơn là, hiện nay rất khó biết các tác nhân gây bệnh mới của dịch Covid-19 do liên tục có biến chủng virus. Khó có thể nói đại dịch Covid-19 sẽ sớm chấm dứt ở Việt Nam, cũng như trên bình diện toàn cầu.

Dù thực tế là như vậy, song, qua tìm hiểu, ông Nguyễn Anh Trí nhận thấy, Quốc hội chưa có một văn bản chính thức độc lập nào về việc phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, ông đề nghị, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có một nghị quyết khẩn cấp về việc phòng, chống đại dịch Covid-19. “Nhân dân cần có nghị quyết của Quốc hội để đồng lòng, đồng tâm hơn trong việc chống dịch. Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương cần có nghị quyết này để gắn kết hơn, để vững vàng, tự tin và có chỗ dựa của luật pháp, để chặn dịch mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”. Nhấn mạnh những ý nghĩa của nghị quyết này nếu được ban hành, đại biểu TP. Hà Nội tin rằng, đây sẽ là một quyết định mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội trong công cuộc chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Liên quan đến dịch bệnh Covid-19, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, thực tiễn đang cần có quy định điều chỉnh tăng nặng mức phạt với những vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19. Đòi hỏi về nhân lực, tài chính, chính sách của lực lượng tuyến đầu, lực lượng y bác sĩ đang hết sức vất vả tham gia trong cuộc chiến này cũng cần có một văn bản điều chỉnh. 

Tuy vậy, ở góc độ khác, là đại biểu đầu tiên bấm nút tranh luận, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nhấn mạnh, Chính phủ đang gồng mình lên cả ngày lẫn đêm, từng giờ, từng phút để đưa ra quyết sách và hành động nhằm ngăn chặn, khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Nghị quyết của Quốc hội có tính pháp lý như một đạo luật, có sự ổn định cao có thể sẽ chưa phù hợp với diễn biến mau lẹ của thực tế. Ông đề nghị, cần tin tưởng và ủy quyền toàn bộ cho Chính phủ quyết định các hoạt động, phương thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm triển khai kịp thời hơn. 

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Vẫn còn một "danh sách cũ"

Dù cả nước đang bận rộn gồng mình trong dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là Bộ Y tế, nhưng ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị, dù bận mấy cũng phải cố gắng sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến y tế và chăm sóc sức khỏe người dân. Đó là những luật cần sửa theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội, thậm chí đã được thảo luận tại một số kỳ họp trong Khóa XIV, nhưng hiện nay lại chưa được đưa vào dự kiến chương trình năm 2021, 2022.

Việc sửa đổi các Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Luật Dược... đều đã đưa vào kế hoạch của năm 2020 nhưng đến nay lại chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022. Trong đó, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám, chữa bệnh có nhu cầu sửa đổi cao nhất, vì phương pháp khám chữa bệnh hiện đã thay đổi rất nhiều so với trước đây.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư bao phủ đời sống nhân loại, chuyển đổi số đã là sự thật trong nhiều lĩnh vực, nhất là y tế. Dịch bệnh thì liên miên hoành hành dữ dội trên quy mô toàn cầu. Tổ chức hệ thống y tế ở mỗi quốc gia đã có sự thay đổi rất lớn về các tuyến, các hạng, về tính chuyên khoa, đa khoa. Quy mô xây dựng bệnh, quy mô, số lượng mệnh giá, nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế của xã hội khác trước rất nhiều trong những năm qua. Bởi vậy, theo một số đại biểu Quốc hội, Luật Khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế rất cần được sửa đổi. Và, trong lần sửa đổi này sẽ phải chứa đựng và nổi bật cho được những thay đổi đó của đời sống, xã hội và con người.

Nhưng nếu sửa đổi hết các luật được đưa vào danh sách từ trước sẽ khó có thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai. Do vậy, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề nghị, Quốc hội đưa vào chương trình dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) coi như luật khung để Bộ Y tế dựa vào đó ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể trong những lĩnh vực cụ thể. Dự án Luật này không chỉ khắc phục bất cập trong luật hiện hành mà theo ông Nguyễn Lân Hiếu, sẽ lần đầu tiên luật hóa một hình thức khám, chữa bệnh mới rất quan trọng trong giai đoạn bùng phát đại dịch mà chưa biết đến bao giờ kết thúc. Đó chính là khám, chữa bệnh từ xa, để giúp các cơ sở y tế khắc phục nhiều khó khăn khi triển khai hình thức khám chữa bệnh này, qua đó thực hiện áp dụng trên diện rộng.

Trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ, sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của các ĐBQH và Quốc hội đang giúp ngành y cùng các ngành chức năng chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ tư hết sức dữ dội. "Lực lượng y tế luôn cần sự ủng hộ này, song cần hơn nữa một hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch. Không phải lo đến những quy định, thủ tục rườm rà mà đôi khi vì khẩn cấp, vì sức khỏe con người lên trên hết, mà tặc lưỡi bỏ qua sẽ thành vi phạm quy định pháp luật", ông nói.

Từ phiên thảo luận toàn thể về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chiều qua, tiếng nói từ thực tiễn đã vang lên trong nghị trường. Đó là tín hiệu tốt lành cho thấy, các đại biểu Quốc hội và Quốc hội luôn lắng nghe và phúc đáp những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. 

Thanh Hải