Tiếp nhận biên chế, con người khi tiếp nhận nhiệm vụ từ cơ quan sắp xếp
Góp ý Dự thảo Nghị quyết Quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, điều chỉnh cụm từ “cơ quan được sắp xếp” thành “cơ quan thuộc đối tượng sắp xếp” tại khoản 4 Điều 4 để thống nhất trong toàn văn dự thảo. Cụ thể: “Trường hợp văn bản hiện hành quy định trách nhiệm phối hợp công tác giữa cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp với cơ quan khác thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện nội dung công việc đó theo quy định”.
![Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu ý kiến dbqh-thanhtan.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5abdafa87a64efa77b4578febf496eabb68eb9b7b105b0566c37a8ba82f3d863e4/dbqh-thanhtan.jpg)
Tại khoản 4, Điều 13, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung cụm từ “đã” vào sau cụm từ “điều chỉnh nội dung”. Cụ thể: “Cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải đồng thời tổ chức xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nội dung đã quy định tại văn bản hành chính hoặc nội dung đã ủy quyền ban hành”.
Đại biểu cũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết Quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước hiện đang sử dụng 2 khái niệm “người có thẩm quyền” (tại khoản 1 Điều 4, Điều 6, Điều 10, Điều 11…) và khái niệm “chức danh có thẩm quyền (tại khoản 2 Điều 3, Điều 5, Điều 8…). Chính vì vậy, đề nghị xem xét, điều chỉnh thống nhất trong toàn văn dự thảo.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về việc tiếp nhận biên chế, con người khi tiếp nhận nhiệm vụ từ cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2025
Đối với Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị tại điểm g, khoản 1, Điều 17 nên xem xét, bỏ nội dung: “quy định về việc thành lập, sắp xếp, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo khung số lượng do Chính phủ quy định”. Bởi đã có quy định của Trung ương về khung số lượng cơ quan chuyên môn và quy định về thành lập, sắp xếp, giải thể cơ quan chuyên môn...
![Quang cảnh thảo luận tại Tổ 4 img-1265.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/4e4c1c51c2bd1fea41fc704a0d5a2e18cafc0e6206e3de2236730646d7c29cbf2b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/img-1265.jpg)
Tại điểm q, khoản 1, Điều 16 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh có quy định: “thu hồi, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật”. Đại biểu đề nghị xem xét lại, bởi theo đại biểu đối với những văn bản hành chính thì có thể quy định như vậy. Tuy nhiên đối với văn bản quy phạm pháp luật thì việc thu hồi loại văn bản này cần xem xét lại.
Bởi vì, trong dự thảo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình tại kỳ họp Quốc hội lần này không có quy định về “thu hồi văn bản quy phạm pháp luật”. Đồng thời, đối với văn bản quy phạm pháp luật việc phát hành được rộng rãi, nếu nhận thấy văn bản quy phạm pháp luật đó không còn áp dụng được nữa thì có thể dùng hình thức bãi bỏ. Tương tự như vậy, đại biểu cũng đề nghị xem xét lại quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 19 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện.
Đồng thời, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung nội dung về “tạm dừng, tạm ngưng hiệu lực một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND”. Bởi nội dung này tương ứng với điểm b, khoản 3, Điều 5 Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đối với điều khoản thi hành của dự thảo luật, đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ: thời điểm có hiệu lực thi hành của luật là từ 1.3.2025 để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phân cấp, phân quyền, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế hiện nay.