Đáp ứng yêu cầu cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia
Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức sáng 26/5, các đại biểu khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây cũng là bước đi cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.
Cơ sở hiến định cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện vai trò to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước, tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Hiện nay, trong bối cảnh Đảng ta đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu “Tinh - Gọn - Mạnh”, hoạt động “Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cần thiết, tạo cơ sở hiến định cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy.

phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Hương
Theo các đại biểu, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, tập trung vào các nhóm nội dung quan trọng liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam khẳng định: Chúng ta đã trải qua 6 lần sửa đổi Hiến pháp và mỗi lần sửa đổi đều đáp ứng yêu cầu thực tiễn và vì mục tiêu phát triển đất nước. Lần sửa đổi này để phù hợp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tại hội nghị, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, các đại biểu đồng tình, thống nhất cao về sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Một số đại biểu tham gia góp ý kiến cụ thể tập trung vào các điều: Điều 9, Điều 10, Điều 110, Điều 115 của dự thảo Nghị quyết. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 cần giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, vì đây là một trong những cơ chế thực hiện kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Tích cực, trách nhiệm tham gia góp ý
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên khẳng định, Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của đất nước. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp ở phạm vi nào, quy mô nào, thời điểm nào cũng là một công việc hệ trọng của đất nước.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp phải được lấy ý kiến rộng rãi, khách quan, với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và của từng người dân. Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các ngành, MTTQ và các huyện, thị, thành phố đối với dự thảo Nghị quyết. Qua lắng nghe các ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, kỹ lưỡng của các đại biểu và khẳng định tinh thần, trách nhiệm cao của các đại biểu đối với công việc quan trọng của quốc gia, dân tộc.
Để tiếp tục hoàn thành việc lấy ý kiến Nhân dân theo đúng Kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đề nghị Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị ở mỗi địa phương nâng cao nhận thức, tích cực, trách nhiệm tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Đặc biệt, triển khai thực hiện trên ứng dụng VneID để đông đảo Nhân dân tham gia góp ý.
Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị, ngay sau hội nghị, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, góp ý. Bên cạnh đó, các ban của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp ở địa phương, gửi báo cáo về Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 29/5/2025, để Thường trực HĐND tập hợp báo cáo Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý thực hiện cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kiện toàn HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không còn tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, các cấp, ngành, các địa phương và toàn thể Nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm khi Nghị quyết được thông qua đáp ứng yêu cầu đặt ra, tạo nền tảng hiến định cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên