Dự Hội nghị có: Chánh án TAND tỉnh, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu; Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần…
Tại Hội nghị, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Theo dự kiến, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khoá XV sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu 12 dự án luật. Trong đó, có các dự án về lĩnh vực an ninh trật tự như: Luật Dữ liệu; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… Đây là những luật có vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh trật tự, việc sửa đổi, bổ sung các luật trên là cần thiết.
Dự thảo Luật Dữ liệu, gồm: 7 chương, 67 điều, quy định về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu; nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu; người làm công tác dữ liệu trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; nguyên tắc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia...
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có 8 chương, 65 điều với các nội dung chính như: Phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân; căn cứ để xác định nạn nhân, giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân...
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định 9 chương, 59 điều, với những nội dung cơ bản như: Về xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành các dự thảo Luật; đồng thời, cho rằng: đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới… Góp ý cụ thể vào các luật, các đại biểu cho rằng: dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần bổ sung thêm cụm từ “người đại diện theo pháp luật” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân hoặc người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (khoản 4, Điều 3); sửa cụm từ tại quy định khoản 4, Điều 24 về phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm...
Liên quan tới Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các đại biểu cũng cho ý kiến đối với các quy định cụ thể, như: bỏ yêu cầu về thẩm tra thiết kế PCCC (khoản 2, Điều 54) và chỉnh lý theo hướng chủ đầu tư, chủ cơ sở tự tổ chức thẩm tra thiết kế về PCCC; hồ sơ thiết kế sẽ do cơ quan công an, cơ quan chuyên môn thực hiện thẩm định. Chỉnh lý, bổ sung quy định về phòng cháy đối với nhà ở (khoản 5, khoản 6, Điều 18) theo hướng Nhà nước khuyến khích hộ gia đình lắp đặt thiết bị có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền thanh báo cháy; bỏ quy định về cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC...
Đối với Luật Dữ liệu, đại biểu đề nghị bổ sung biện pháp hợp tác quốc tế về kỹ thuật có liên quan đến xử lý và bảo vệ dữ liệu; cần lấy ý kiến của các chuyên gia công nghệ liên quan tới cơ sở dữ liệu và tham chiếu tới các luật khác về hệ thống thông tin cần được bảo vệ; cần bảo vệ quyền lợi của chủ thể dữ liệu và bảo đảm dữ liệu không bị lạm dụng...
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cảm ơn các đại biểu tham dự hội nghị; đồng thời khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các dự án luật về an ninh trật tự có ý nghĩa lớn trong bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Chính vì vậy, ý kiến của các đại biểu góp phần giúp Đoàn ĐBQH tỉnh nắm bắt, phản ánh một cách kịp thời tới diễn đàn của Quốc hội.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cũng đề nghị Công an Hà Tĩnh tiếp tục nghiên cứu sâu, đầy đủ các quy định để phản ánh tới Đoàn. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ chọn lựa các ý kiến chất lượng, phù hợp để tổng hợp đầy đủ, hoàn thiện trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới.