Phục vụ cử tri ở khu vực bầu cử

Đáp ứng nguyện vọng của cử tri bằng cách nào?

- Thứ Sáu, 05/04/2013, 08:35 - Chia sẻ
Nhiều cuộc khảo sát ở các nước khác nhau trên thế giới cho thấy, công chúng coi phục vụ cử tri là một phần công việc đương nhiên của nghị sỹ, thậm chí là công việc quan trọng nhất; còn đối với nghị sỹ, việc đáp ứng nhu cầu của cử tri có ý nghĩa rất lớn, ít nhất là tăng cường khả năng được tái cử. Tuy nhiên, mỗi nghị sỹ sẽ phải tìm cách thức để phục vụ, đáp ứng những đòi hỏi khác nhau của cử tri tại đơn vị bầu cử của mình.
 

Nghị sỹ không thể bỏ hết thời gian để phục vụ cử tri, mà phải tham gia hoạt động lập pháp, giám sát. Trong khi đó, nghị sỹ cũng chỉ có từng ấy thời gian. Hơn nữa, như 36% trong số gần 700 nghị sỹ từ các nước khác nhau được hỏi năm 2011 cho rằng, tình trạng thiếu các nguồn lực để phục vụ cử tri như văn phòng cử tri, nhân viên văn phòng, kinh phí đi lại là yếu tố trở ngại lớn nhất để nghị sỹ hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, một câu hỏi đặt ra cho các nghị sỹ là làm thế nào để cân bằng giữa những đòi hỏi, yêu cầu khác nhau trong điều kiện hoạt động chưa hoàn hảo như vậy.

Có hai cách tiếp cận trong việc đáp ứng nhu cầu của cử tri: một là, từ những đòi hỏi riêng lẻ tìm giải pháp chung cho cả cộng đồng. Ở nhiều nước, trong đa số các trường hợp, nghị sỹ đáp ứng đòi hỏi có tính vụ việc đơn lẻ của cử tri. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghị sỹ cố gắng tìm các giải pháp chung cho cả cộng đồng. Một nghị sỹ Ghana nhận xét, áp lực ngày càng tăng từ những yêu cầu, đòi hỏi mang tính cá nhân của cử tri làm cho cách tiếp cận truyền thống không còn phù hợp, nghị sỹ không thể đáp ứng hết, cần phải có các giải pháp chung. Một nữ nghị sỹ Indonesia có sáng kiến hỗ trợ đào tạo cho những người muốn khởi nghiệp kinh doanh nhỏ, và dần dần, sáng kiến này phát triển thành chương trình tín dụng nhỏ hỗ trợ những người như vậy về vốn khởi nghiệp. Những người nghèo nhất tham gia chương trình này còn được nhận phiếu giảm giá rất nhiều đối với những lương thực thiết yếu như gạo, dầu. Theo kết quả nghiên cứu ở những nước như Uganda, Kenya, Zambia, cử tri có xu hướng dựa nhiều hơn trên những việc nghị sỹ đã làm được cho cộng đồng hơn là những vụ việc đơn lẻ để đánh giá nghị sỹ và họ bỏ phiếu cho nghị sỹ trên cơ sở đó.

Cách thứ hai là cố gắng đưa những nguyện vọng, tâm tư, đòi hỏi của cử tri vào quy trình lập pháp của nghị viện, biến chất liệu cuộc sống thành những quyết sách lớn của quốc gia. Chẳng hạn, những lời đề nghị từ cử tri trả tiền cho từng đơn thuốc hoặc tiền học cho con buộc nghị sỹ phải nghĩ đến giải pháp về cơ chế bảo hiểm y tế quốc gia phù hợp hoặc chính sách học bổng, miễn giảm học phí… Như một số nghị sỹ Nam Phi cho biết, từ những câu chuyện đau lòng của phụ nữ, các nghị sỹ đã vận động ra đạo luật cấm hủ tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục nữ. Còn ở Mexico, sau khi tiếp một bà mẹ có con học giỏi, một nữ nghị sỹ đã vận động thay đổi chính sách giáo dục cho phép trẻ em có năng khiếu được học vượt cấp thay vì phải qua đủ các lớp như bình thường. Hoặc một nghị sỹ Indonesia từ khu vực bầu cử có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao đã phối hợp với các nghị sỹ khác và quan chức y tế để xây dựng chương trình chăm sóc quốc gia đối với các bà mẹ khi sinh. Nhiều nghị sỹ từ các nước khác nhau cũng tổ chức các cuộc họp để thu nhận ý kiến, ý tưởng đối với các chính sách, đạo luật, ví dụ như tăng tỷ lệ nữ sinh ở cấp trung học, các mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục, y tế, trẻ em…

Hoài Thu