Qua khai thác thông tin, trẻ đi ra sau nhà thì bị rắn tre cắn vào gót chân trái. Mặc dù, gia đình xử trí đưa trẻ đi đắp lá nhưng triệu chứng sưng đau tăng dần. Sau đó, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị.
Thời điểm nhập viện, trẻ sưng nề, rối loạn đông máu và bầm tím xung quanh vết rắn cắn. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu, bất động, băng ép, vệ sinh, sát khuẩn tại chỗ vết cắn, truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn lục tre theo phác đồ của Bộ Y tế.
Sau truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, các chỉ số xét nghiệm ổn định dần, tại chỗ tổn thương cũng tiến triển tốt hơn. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, hằng năm tiếp nhận nhiều bệnh nhân với tình trạng rất nặng ngộ độc cấp do rắn độc cắn với nhiều loại rắn khác nhau (rắn hổ, rắn lục, rắn cạp nia) xảy ra rải rác các tháng trong năm.
Để thuận lợi cho việc điều trị người bệnh cần truyền huyết thanh kháng nọc rắn (thuốc giải độc nọc rắn) nhằm giảm các biến chứng do độc tố của rắn.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa được biết đến thuốc huyết thanh kháng nọc rắn, nên sử dụng các thuốc dân gian không rõ nguồn gốc.
Do đó, khi vào viện tình trạng đã rất nặng với nhiều biến chứng, gây khó khăn cho quá trình điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí. Đặc biệt, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, có thể dẫn đến nguy hiểm tử vong trong một thời gian ngắn.
Bác sĩ khuyến cáo khi xác định được loại rắn, thì trong bất kì trường hợp rắn thường hay rắn độc nạn nhân cũng phải giữ được bình tĩnh. Tránh hoảng sợ, cử động chân tay, nhất là ở vùng bị rắn cắn vì chất độc có thể đi vào cơ thể và lây lan nhanh.
Bên cạnh đó, nạn nhân cần áp dụng biện pháp băng ép bất động đối với một số loài rắn hổ và không băng ép khi bị rắn lục cắn. Đồng thời, cởi bỏ trang sức ở tay, chân nơi bị cắn để không chèn ép làm phù nề. Khi sơ cứu xong, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, tránh bỏ lỡ thời gian vàng làm ảnh hưởng đến tính mạng.