Đập tan xiềng xích để chiến thắng trở về
May mắn hơn nhiều đồng đội, các tử tù hay cựu tù từng bị giam hãm và tra tấn ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo đã được gặp lại nhau để nhớ về những tháng ngày chịu đọa đày hơn 50 năm trước.
Trường học cách mạng lớn nhất
“Nhà tù Côn Đảo là một trong những nhà tù lớn nhất của chế độ cũ Sài Gòn, được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Nơi đó là rừng thiêng nước độc, khí hậu khắc nghiệt. Nơi đó có hàng vạn người nằm xuống vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân”, cựu tù Trần Thị Trúc Chi bắt đầu câu chuyện về chuyến trở lại Côn Đảo của 39 tử tù và cựu tù mới đây.

Chia sẻ nhân triển lãm và ra mắt sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở về của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Chi cho biết, đối với bà, nhà tù Côn Đảo là trường học cách mạng lớn nhất mà bà được vinh dự theo học. “Nơi đó đã trui rèn ý chí, hun đúc tinh thần quả cảm, hy sinh vì đất nước của các chiến sĩ cách mạng. Chế độ sinh hoạt hà khắc, sự đàn áp coi rẻ sinh mạng người tù chính trị… đã làm cho người tù trở thành gang thép, không gì có thể lay chuyển được lý tưởng, niềm tin của họ”.
Ở nhà tù Côn Đảo, sự đùm bọc, sẻ chia, yêu thương nhau của những người tù đã là một đặc trưng riêng có. Họ chia nhau từng cọng rau, nắm cơm khô, lon nước để duy trì sự sống. “Năm 1970, tôi bị đày ra Côn Đảo khi mới 16 tuổi, tôi vô cùng biết ơn những người tù chính trị tiền bối. Chính sự yêu thương, dũng cảm, hy sinh của họ mà cuộc đấu tranh của lớp tù nhân sau này dễ dàng hơn. Tôi cùng tập thể lao vào cuộc đấu tranh một cách quyết liệt, chấp nhận sự hy sinh không chút do dự, noi theo gương đấu tranh của các bậc tiền nhân”, bà Chi kể lại.
Đó cũng là câu chuyện của cựu tù Phan Thị Bé Tư khi bà nhớ lại những năm tháng bị giam cầm tại đây năm 1970; bà Tư kể, những cây roi sắt, ghế bố, những hình thức treo, còng, rồi bị rắc vôi, bị nhúng dìm nước xà bông, đổ nước vào mũi, châm điện… vẫn luôn ám ảnh, trở về trong các giấc mơ của bà. Đó là các hình thức tra tấn tàn ác hòng bắt tù nhân khai ra đồng đội vẫn đang hoạt động. “Tôi nhớ nhất đồng đội mình phải chịu những đòn tra tấn bị gọt tuột hết thịt chỉ còn xương không. Tuy nhiên, dưới mọi hình thức, chúng tôi đều quyết không khai, không chấp hành các chiêu trò nhằm lung lạc ý chí đấu tranh. Bị giam trong các phòng nhỏ nhiều tháng, không được mang theo đồ cá nhân, đồ dùng vệ sinh, chúng tôi đều bị ghẻ lở, hôi thối. Nhưng chính những giây phút gian nan, thiếu thốn ấy, nghĩ về những tấm gương và đồng đội, chúng tôi thêm bền chí đấu tranh để chiến thắng kẻ thù. Đó chính là điều tôi luôn nhớ mãi và tự hào”.
Lời thề quyết tử trước đồng đội
Cũng bị xử án tù và đày ra Côn Đảo, ông Võ Văn Em vẫn nhớ rất rõ 8 năm, 4 tháng, 24 ngày bị địch còng xích suốt cả ngày đêm, chuyển đến nhiều nơi trên đảo; ông cho biết, những tử tù, cựu tù ngày ấy tuyên bố chống chào cờ địch để bảo vệ khí tiết người cộng sản. Chúng đàn áp dã man mỗi khi anh em đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù. Tuy nhiên, lần khiến ông nhớ nhất là đấu tranh chống lăn tay, chụp ảnh. “Chúng đàn áp, đánh đập dã man làm bốn tù nhân chết tại chỗ, trong đó có anh Phạm Ngô là tử tù chung với tôi”, ông Em kể lại.
Câu chuyện của cựu tù Võ Ái Dân những ngày trước và sau khi đất nước giải phóng cũng thực sự xúc động; sinh năm 1944, ông Dân tham gia cách mạng sau Đồng Khởi Bến Tre 1960 khi đang học bậc tú tài trường công Chu Văn An, Sài Gòn. Không lâu sau ông bị bắt vào tháng 8.1961. “Vào tù tôi mới hiểu về Cộng sản. Trải qua các nhà lao Câu lưu xá Tổng nha, Gia Định, Thủ Đức, Phú Lợi, Tân Hiệp, Chí Hòa…, chúng tôi đấu tranh dân sinh, dân chủ, chống tố Cộng, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh; đến tháng 9.1964, địch thấy không thể làm lung lay chúng tôi nên đày ra Côn Đảo dù không một ngày ra tòa kết án. Sau đó bị nhốt vào chuồng cọp Pháp từ 1964 - 1969, rồi đến xà lim chuồng cọp Mỹ…”.
May mắn được sống chung với các chú, các anh từng chống ly khai, ông Dân cho biết, những tử tù, cựu tù ngày ấy thấm thía trong tim lời dạy “Bảo vệ khí tiết là bảo vệ hoa thơm trước ngực”, và luôn tin tưởng trận chiến cuối cùng: chúng ta sẽ chiến thắng và vinh quang trở về với Đảng, với dân!
“Cũng nói thật lòng, có những lúc quá cô đơn, đau bệnh ngặt nghèo giữa bốn bức tường đá lạnh, không dưới một lần tôi đã muốn xuôi tay quy hàng; nhưng nhớ vai trò của người Đảng viên, đặc biệt nhớ lời thề quyết tử trước bao đồng đội đã hy sinh trong xà lim, chuồng cọp… tôi đã thức tỉnh với tinh thần Quyết tâm quyết tử - tự lực - trường kỳ. Cho đến ngày 1.5.1975, cùng hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng bị giam giấu đã vùng lên đập tan xiềng xích trăm năm của "địa ngục trần gian" Côn Đảo để là người chiến thắng trở về”, ông Dân xúc động nói.