Đào tạo phi công 100% “made in Việt Nam”
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để tăng số lượng phi công người Việt Nam, nhiều dự án đào tạo phi công đã và đang được xúc tiến triển khai. Nếu đúng như kỳ vọng, sớm nhất đến năm 2022, sẽ có những phi công “made in Việt Nam” đầu tiên và mỗi năm sẽ có thêm khoảng 500 - 700 phi công. Kỳ vọng sau năm 2025, có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và giải được “cơn khát” phi công.
Nhu cầu phi công tăng cao
Công bố mới nhất của Nhà chế tạo máy bay Boeing cho thấy nhu cầu phi công thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ lên tới 244.000 người, tương đương 38% nhu cầu phi công trên toàn cầu trong 20 năm tới. Trong khi đó, theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, hiện cả nước có 2.361 phi công, nếu như năm 2020, cả nước chỉ cần thêm 14 phi công thì sang năm 2021, nhu cầu phi công đã tăng vọt thêm 258 người. Số lượng phi công cần thêm tiếp tục tăng mạnh trong các năm tiếp theo, lần lượt là 520 người vào năm 2022, 809 người năm 2023, 963 phi công năm 2024 và 1.225 người vào năm 2025.
![]() Tính đến tháng 6.2019, cả nước có 2.361 phi công, trong đó gần 1.300 phi công người Việt Nam. Nguồn: ITN |
Về vấn đề này, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành bày tỏ, để có được 160 phi công Boeing 787 bay 11 chiếc như ngày hôm nay, Vietnam Airlines phải bắt đầu công cuộc tuyển chọn, chuẩn bị lực lượng, chuyển loại và chuyển giao công nghệ từ năm 2008. Bởi, để đào tạo 1 phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7 - 8 năm.
Trong khi nhu cầu phi công trong nước vẫn rất căng thẳng, việc đào tạo phi công lại đang gặp không ít khó khăn. Theo đó, hệ thống chính sách đào tạo nhân lực hàng không vẫn còn những bất cập và chưa tạo được động lực đủ mạnh để người sử dụng lao động, người lao động quan tâm.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, hiện các cơ sở đào tạo phi công của Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để đào tạo độc lập mà vẫn phải hợp tác với cơ sở đào tạo nước ngoài. “Hiện chỉ có duy nhất Công ty cổ phần đào tạo Bay Việt đang đào tạo phi công cơ bản. Tuy nhiên, Bay Việt cũng mới chỉ đào tạo lý thuyết, đào tạo trên buồng lái mô phỏng (simulator), còn đào tạo bay thực hành chưa thể tiến hành mà phải ra nước ngoài”, ông Thắng cho hay.
Giải “cơn khát” phi công
Tính đến tháng 6.2019, cả nước có 2.361 phi công, trong đó gần 1.300 phi công người Việt Nam. Vietnam Airlines có tỷ lệ phi công người Việt cao nhất, lên tới 75,8%. Con số này của Vietjet là 25,1%, Jetstar là 25,6% và Bamboo Airways là 32,3%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trừ Vietnam Airlines, tại các hãng còn lại, tỷ lệ phi công người Việt Nam thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài.
Để tăng số lượng phi công người Việt Nam, nhiều dự án đào tạo phi công của Bamboo Airways, Vingroup hay Học viện Hàng không đang được xúc tiến triển khai. Tổng giám đốc Công ty cổ phần đào tạo Bay Việt (VFT) Nguyễn Nam Liên cho biết, đơn vị đã lên kế hoạch cụ thể để có thể đào tạo phi công cơ bản hoàn toàn ở trong nước. Theo đó, trong giai đoạn 1 (2019 - 2021), VFT sẽ hợp tác với các trường bay nước ngoài chuyển giao công nghệ, huấn luyện học viên đạt đến bằng lái phi công tư nhân PPL. Học viên hoàn thành giai đoạn huấn luyện PPL sẽ được gửi đi các trường bay đối tác của Bay Việt tại nước ngoài để hoàn thành hai giai đoạn huấn luyện tiếp theo là bay bằng thiết bị trên máy bay nhiều động cơ và bằng lái phi công thương mại.
Trong giai đoạn 2 (từ 2022-2023), VFT sẽ đầu tư toàn bộ hạng mục của trường bay, tiếp tục hợp tác với trường bay nước ngoài để chuyển giao công nghệ, huấn luyện học viên đạt đến bằng lái phi công thương mại với số lượng từ 80-100 học viên, đội máy bay huấn luyện khoảng 15 chiếc. Ông Liên cũng khẳng định, hiện tại để có thể sở hữu được tấm bằng phi công thương mại, mỗi học viên phải chi khoảng 1,8-2 tỷ đồng, nhưng nếu được đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam, học viên sẽ tiết kiệm được khoảng 10-15% chi phí, tương đương khoảng 200 - 300 triệu đồng.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Bamboo AirwaysĐặng Tất Thắng, đến 2021 Viện Đào tạo hàng không Bamboo Airways có thể đào tạo phi công 100% ở Việt Nam. Khoảng 1 - 1,5 năm, những phi công đầu tiên sẽ tốt nghiệp. Dự kiến chi phí đào tạo phi công tại các nước phát triển khoảng 50 - 100 nghìn USD tuỳ khoá học, còn nếu đào tạo trong nước, chi phí này sẽ giảm được khoảng 50%.
Hay mới đây, trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (Tập đoàn Vingroup) cũng đã công bố tuyển sinh khóa đầu tiên với số lượng dự kiến 400 học viên phi công. Được biết, học viên trúng tuyển sẽ được đào tạo cơ bản 12 tháng tại một trong các học viện đào tạo tại Mỹ hoặc Australia và huấn luyện chuyển loại 14 tháng tại Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ phi công tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và CASA và có cơ hội học liên thông lên đại học chuyên ngành Quản trị hàng không. Tổng chi phí đào tạo dự kiến cho một học viên là 120.000 USD.
Như vậy, nếu các dự án trên được triển khai đúng kỳ vọng, sớm nhất đến năm 2022, đã bắt đầu có những phi công “made in Việt Nam” đầu tiên. Khi các cơ sở đào tạo đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm, sẽ có thêmkhoảng 500 - 700 phi công, bao gồm cả phi công đào tạo hoàn toàn trong nước và phi công gửi đi nước ngoài đào tạo.Kỳ vọng sau năm 2025, có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và “cơn khát” phi công cũng sớm được giải tỏa.