Đó là ý kiến của GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến năm 2045" ngày 28.9 do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Theo GS.TS Chử Đức Trình, yếu tố quyết định sự phát triển không chỉ là tài nguyên, công nghệ mà yếu tố cốt lõi chính là con người. Nhân lực chất lượng cao sẽ là chìa khóa để đất nước ta nắm bắt cơ hội và vượt qua các thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đề án "Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao" có vai trò chiến lược quan trọng đối với quốc gia trong việc phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là các ngành công nghệ then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, hóa học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh”.
GS.TS Chử Đức Trình cho rằng, Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045 sẽ là kim chỉ nam định hướng cho các đơn vị giáo dục đại học và các cấp triển khai xây dựng các chiến lược phát triển và kế hoạch hành động để đảm bảo các sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay, đáp ứng tốt, và bền vững nhu cầu nhân lực của đất nước.
Phải giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, bán dẫn vi mach, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ y sinh học.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển này, GS.TS Chử Đức Trình cho rằng phải giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, chúng ta cần những chuyên gia, nhân lực lao động không chỉ nắm vững kiến thức mà còn cần khả năng sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động và gia tăng sức cạnh tranh quốc tế.
Trước thách thức đó, vai trò của các trường đại học là vô cùng quan trọng. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ cần đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn phải là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, việc liên kết với doanh nghiệp và quốc tế có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận những xu hướng công nghệ mới, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động toàn cầu, sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức.
Để đạt được điều này, theo GS Trình các cơ sở giáo dục cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cấp toàn diện chương trình đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên. Các hoạt động đào tạo cần gắn kết học thuật với thực tiễn, phát triển kỹ năng thực tế ở sinh viên, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lao động sản xuất của thị trường.
Bên cạnh đó, cải cách cơ chế hoạt động quản trị nhà trường là một yếu tốt quan trọng để mở ra những bậc tự do mới trong khuôn khổ pháp luật cộng hưởng các điều kiện để thúc đẩy sự phát triển.
Vai trò quan trọng của 3 nhà bao gồm: Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp
GS Chử Đức Trình nhận định: Dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045 là một công trình được xây dựng công phu và toàn diện.
Với góc nhìn từ một Trường đại học công nghệ kỹ thuật, GS Trình mong muốn, trong thời gian tới, hoàn thiện được các cơ chế, quy định để khẳng định vai trò của 3 nhà bao gồm: Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Nhà nước cần có cơ chế mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy xây dựng và thực thi các chính sách kiến tạo, tăng cường hơn nữa cơ chế phân cấp, phân công và phân nhiệm, đi liền với đầu tư cho giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Chính phủ cần có các chính sách đồng hành và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngành giáo dục cũng cần hoàn thiện các quy định về tự chủ đại học, đặc biệt là về tự chủ học thuật, tự chủ và phân cấp mạnh hơn về tổ chức, và tự chủ tài chính. Trong thực tiễn hoạt động hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ còn khá lúng túng trong nhiều mảng công tác khác nhau từ tổ chức cán bộ, tài chính, cơ sở vật chất, cho đến đầu tư cho nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Miễn toàn bộ học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí cho thạc sĩ, tiến sĩ
Được biết, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN với triết lý “Sáng tạo và vun đắp giá trị nhân văn của công nghệ” ngoài những chương trình đào tạo chất lượng cao đã và đang tiên phong trong việc thiết kế các chương trình đào tạo tài năng xuất sắc, hướng tới các ngành công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử viễn thông, cơ điện tử và vi mạch bán dẫn.
GS.TS Chử Đức Trình chia sẻ, những chương trình này không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn khuyến khích sinh viên phát triển toàn diện thông qua việc cá nhân hóa quá trình học tập, kết hợp lý thuyết với thực hành và thực tiễn, tạo ra môi trường học tập mở, sáng tạo để thúc đẩy tiềm năng cá nhân của sinh viên. Đây chính là những nền tảng để đào tạo ra những chuyên gia có khả năng đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Trường Đại học Công nghệ đã đổi mới cơ chế hoạt động nhờ vào việc áp dụng mô hình tự chủ đại học tạo nên sự chủ động cần thiết trong các công tác phát triển và quản trị toàn diện quá trình đào tạo, hợp tác quốc tế và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Trong chiến lược phát triển, Trường ĐH Công nghệ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2035 trở thành trường top 300 và đến năm 2045 trở thành trường top 200 trên Thế giới.
Bắt đầu từ năm 2025, Trường ĐH Công nghệ sẽ áp dụng mô hình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ toàn thời gian tại trường. Khi đó, các học viên, nghiên cứu sinh sẽ được miễn toàn bộ học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí đáp ứng được mức cơ bản để sinh sống tại Hà Nội. Các học viên và nghiên cứu sinh sẽ tham gia sâu vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy của Nhà trường.
GS.TS Chử Đức Trình: “Đề án là nền móng cho sự phát triển dài hạn và bền vững của Quốc gia. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa để đất nước hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ cao.
Với sự phát triển của các trường đại học, cùng sự hỗ trợ từ các chính sách quốc gia và hợp tác quốc tế, Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian tới.
Nhân lực công nghệ cao, chất lượng cao là nền tảng của sự thành công trong việc "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới"; để “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số", trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”, như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư”.