Đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn
Sáng 17/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn |
Các địa phương trong cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và lựa chọn, phê duyệt danh mục hơn 3.080 lượt nghề đào tạo. Nhiều địa phương đã chủ động bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực khác để tổ chức hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn. Cùng với 783 cơ sở dạy nghề, các địa phương đã huy động hơn 200 doanh nghiệp và trên 400 cơ sở khác có đủ điều kiện dạy nghề. Trên 2 vạn giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng và hơn 1,1 vạn kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, nhà khoa học, công nhân có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi trong cả nước tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn |
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương và ý kiến của một số đại biểu cho thấy: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn 3 năm qua, tuy đạt được nhiều mặt, nhưng còn lúng tùng và chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu định hướng lâu dài gắn vơi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thị trường. Công tác dạy nghề ở một số địa phương còn chạy theo số lượng nên chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động. Công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề cũng chưa phù hợp với điều kiện, khả năng của người dân và nhu cầu xã hội. Việc lựa chọn cơ sở đào tạo chưa thực sự dựa trên năng lực, chất lượng đào tạo. Mạng lưới cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu...
Mặt khác, việc tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ; đồng thời chưa nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương “không tổ chức dạy và học nghề khi chưa xác định được nơi làm việc cũng như mức thu nhập có được sau khi học”. Do đó, kết quả và hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương còn hạn chế, chất lượng dạy nghề còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp xã hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người nông dân đi học nghề mây tre đan tại Diễn Châu - Nghệ An Nguồn: baodientu.chinhphu.vn |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một đề án sâu, rộng nhất từ trước đến nay. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, vừa tạo tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, vừa chuẩn bị nguồn nhân lực cho sản xuất phi nông nghiệp ở nông thôn cũng như các khu công nghiệp trong thời gian tới.
Theo Phó thủ tướng, từ trung ương đến cấp xã đã hình thành được một bộ máy chỉ đạo, hướng dẫn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như các chính sách phát triển cho công tác này. Đặc biệt, đã hình thành được các nhóm mô hình dạy nghề có hiệu quả cho người người lao động nông thôn, như: dạy nghề nông nghiệp; dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; dạy nghề công nghiệp, xây dựng, dịch vụ (dạy nghề cho doanh nghiệp); dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ. Nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đã tiếp tục trở lại làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, tiết kiệm được chi phí sản xuất, đạt hiệu quả và thu nhập tăng. Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng ở nông thôn ngày càng nhiều.
Phó thủ tướng nhấn mạnh: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay cơ bản đã đi đúng hướng và có những kết quả bước đầu đáng khích lệ; đồng thời tạo cơ sở để nâng cao số lượng cũng như chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Phó thủ tướng cũng chỉ ra những mặt hạn chế của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 3 năm qua, như: Một số huyện và nhiều xã trong cả nước hiện nay chưa có Ban chỉ đạo; chất lượng chương trình dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, còn nặng về lý thuyết thiếu tính thực hành. Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề đối với cán bộ cấp huyện, xã hiệu quả chưa cao; việc lập, phê duyệt kế hoạch, kinh phí hỗ trợ dạy nghề ở nhiều địa phương thực hiện chưa đúng và chưa thật sự quan tâm đến việc hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm do người dân tạo ra…
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó thủ tướng đề nghị, các cấp từ trung ương đến địa phương phải tiếp tục triển khai quyết liệt việc đào tạo nghề gắn với sản xuất, nhất là trong quá trình tập huấn lý thuyết phải gắn với thực tế. Các bộ, ngành và địa phương cũng phải đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định và bao tiêu sản phẩm cho người lao động nông thôn. Phó thủ tướng cũng đề nghị những xã, huyện còn “trắng” Ban Chỉ đạo thì sớm tiến hành thành lập.
Phó thủ tướng đề nghị ngành nội vụ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức xã đến năm 2015. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương tập hợp những mô hình dạy nghề hiệu quả cũng như các địa phương có cách làm tốt về đào tạo nghề để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho những địa phương khác tham khảo, nghiên cứu, học tập. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp để đề xuất Thủ tướng Chính phủ gộp lại thành một trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên và giới thiệu việc làm…