Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

- Thứ Tư, 04/08/2021, 05:40 - Chia sẻ
Phấn đấu đến cuối năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52%, Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm như tập trung tuyên truyền, tư vấn, giáo dục định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn; đồng thời định hướng học nghề gắn với giải quyết việc làm.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc trong giờ thực hành nghề điện - điện tử
Nguồn: ITN

8.342 học viên được đào tạo nghề

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên đã ảnh hưởng đến hoạt động Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Song, bằng nhiều giải pháp đồng bộ cùng với sự nỗ lực quyết tâm cao nên trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 8.342/28.000 người, đạt 29,8%. Trong đó, đào tạo sơ cấp nghề là 1.372/5.000 người; trung cấp, cao đẳng là 190/1.260 người; đạo tạo, bồi dưỡng nghề là  6.780/21.740 người.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh được thực hiện theo hướng tập trung đào tạo cho lao động nông thôn trực tiếp sản xuất, đào tạo gắn với giải quyết việc làm; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề, nhất là đối với lao động nữ; phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề theo nhu cầu, theo đặt hàng của doanh nghiệp, nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề trên địa bàn. Đồng thời, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề năm 2021; phân bổ nguồn kinh phí đào tạo nghề lao động năm 2021. Ngoài ra, Sở còn phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tổ chức truyền thông lao động việc làm, dạy nghề và xuất khẩu lao động tại các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình.

Đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh, thời gian qua, nhờ làm tốt công tác khảo sát nhu cầu lao động và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có những bước phát triển mới, theo đó đã đào tạo những nghề phù hợp với từng địa phương, bảo đảm được khả năng giải quyết việc làm.

Phấn đấu đến cuối năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52%, ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm như chỉ đạo các trường cao đẳng tập trung công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn; đồng thời định hướng học nghề gắn với giải quyết việc làm.

Trong đó, chú trọng tuyển sinh trình độ cao đẳng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; xây dựng chương trình đào tạo nghề phải được lồng ghép chương trình khởi sự doanh nghiệp, các kiến thức về kinh tế thị trường, để người lao động sau khi học nghề tiếp cận được nhu cầu của thị trường lao động, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng nghề quốc gia cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề. Cũng như tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động của 3 trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu đa dạng của xã hội; tập trung vào những ngành nghề trọng yếu như điện tử, công nghệ thông tin, các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao như du lịch, thương mại…

Tập trung nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động; lấy tín nhiệm thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp là tiêu chí để đánh giá uy tín, chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; rà soát, xác định thế mạnh theo lĩnh vực ngành nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tỉnh Cà Mau cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển thêm các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và các đơn hàng xuất khẩu lao động; chủ động thực hiện các lớp đào tạo theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đủ điều kiện chủ động tự đào tạo lao động của doanh nghiệp mình, từng bước nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề công nhân trong thời kỳ hội nhập.

Hiểu Lam