Bà Lâm Thị Ngọc Ngân - Giám đốc Nhân sự Công ty CP PIZZA 4PS cho biết, bình quân mỗi năm, công ty cần tuyển khoảng 3.000 nhân sự, chủ yếu là lao động trẻ. Tuy nhiên nguồn cung không đủ cầu và hiện nguồn tuyển của doanh nghiệp chủ yếu qua các trang tuyển dụng trực tuyến, qua mạng xã hội như Facebook, TikTok,… Tuy nhiên, tỷ lệ nhảy việc hiện rất cao.
Còn bà Lê Thị Đoan Trinh - Phó Tổng Giám đốc khối Nhân lực Scommerce cho biết, Công ty hiện có 20.000 lao động, là khách hàng chính của giao hàng nhanh Ahamove là Tiktokshop, Shopee… Hiện tỷ lệ tuyển dụng được qua các trường đào tạo chỉ 1 - 2%. Thực tế, nhiều ngành nghề như: logistics, kho bãi, kinh tế chia sẻ… rất khó tuyển dụng và các cơ sở giáo dục đào tạo có đào tạo nhưng đào tạo theo kiểu truyền thống, chưa sát thực tế với sự phát triển của công nghệ thực tế từng lĩnh vực.
“Các ngành mới hiện nay phát triển nhanh, chúng tôi phải tự học hỏi, đào tạo theo nhu cầu thị trường. Ví như trong khâu “phân loại tự động” hàng hóa thì không tuyển được lao động từ các cơ sở đào tạo mà phải tự đào tạo nhân lực, tự học hỏi. Hoặc như shiper hiện là một nghề và họ được doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu của nghề, họ có thể không đạt về trình độ học vấn, bằng cấp nhưng họ rất chuyên nghiệp khi vận chuyển từng đơn hàng theo đúng quy trình công nghệ và có nghệ thuật phục vụ khách hàng. Điều này hiện các trường đào tạo còn thiếu”, bà Trinh ý kiến.
Nhìn nhận về xu hướng chuyển dịch lao động theo thị trường 4.0, ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Thời gian qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng; năm 2024, lần đầu tiên bộ phận tuyển dụng không tuyển dụng đủ lao động cho nhà máy. “Tổng thu nhập bình quân của công nhân khoảng 12 triệu đồng/tháng, trong đó 25% thu nhập đến từ tăng ca. Độ tuổi trung bình của lao động tại doanh nghiệp hiện nay là 40 tuổi. Điều này cho thấy, lao động trẻ không mặn mà với công việc trong ngành may. Không chỉ khó tuyển, số lao động trẻ nghỉ việc thời gian qua khá lớn”, ông Sơn cho hay.
Tương tự, ông Bùi Việt Nam, Giám đốc Truyền thông Thương hiệu Tổng Công ty CP May Nhà Bè cho hay, hiện hệ thống May Nhà Bè có khoảng 35.000 lao động nhưng việc tuyển dụng đang gặp khó. Những ngành nghề truyền thống như dệt may, da dày không còn là xu hướng lựa chọn của giới trẻ. Và vấn đề này là vẫn đề chung của toàn cầu.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, chia sẻ, thị trường lao động là một trong 3 đầu vào của nền kinh tế, tác động rất lớn đến nền kinh tế xã hội. Cả nước hiện có 52,4 triệu lao động, đây chính là một lợi thế. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo hiện nay rất cao nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ lại không cao. Vì sao một phần doanh nghiệp tự đào tạo cho người lao động sau khi tuyển dụng song họ không có chức năng cấp bằng cấp, chứng chỉ cho người lao động đó. Một số nghề hiện đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh như chạy xe công nghệ, giao hàng…
Ông Thắng cho biết, hiện cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở đào tạo. Và, để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song với đó là họ phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển…