Đào tạo kỹ năng du lịch qua thực tế công việc

Đinh Loan thực hiện 12/05/2012 07:50

Đây là một trong những điểm mạnh trong chương trình đào tạo theo Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) do Tổng cục Du lịch triển khai từ nhiều năm nay. Xung quanh vấn đề này, PV Báo ĐBND đã có cuộc trao đổi với Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng văn phòng Hội đồng Cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch (VTCB), Tổng cục Du lịch TRẦN PHÚ CƯỜNG.

- Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007, đến nay có khoảng bao nhiêu nhân viên được đào tạo theo tiêu chuẩn VTOS  thưa ông?

- Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch qua việc giới thiệu các tiêu chuẩn kỹ năng tương đương tiêu chuẩn quốc tế, gắn liền với hệ thống thẩm định, cấp chứng chỉ cho 13 nghề khách sạn và lữ hành (Buồng, Lễ tân, An ninh khách sạn, Nhà hàng, Chế biến món ăn âu, Chế biến món ăn Việt Nam, Làm bánh âu, Quản lý khách sạn nhỏ, Đặt giữ buồng khách sạn, Điều hành Tour, Đại lý lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Đặt giữ chỗ lữ hành). Hiện tại, Hệ thống VTOS đã có 14 Trung tâm thẩm định đặt tại các trường đào tạo du lịch và 57 Trung tâm đánh giá đặt tại các doanh nghiệp du lịch, với gần 3.000 đào tạo viên của gần 700 đơn vị (gồm các công ty lữ hành, khách sạn và các trường đào tạo) tham dự. Đến nay đã có khoảng 6.000 nhân viên được đào tạo theo tiêu chuẩn VTOS và VTCB đã tiến hành trên 450 kỳ thẩm định VTOS cho khoảng 2.000 người lao động và cấp chứng chỉ cho khoảng 1.200 người lao động đạt tiêu chuẩn nghề.

Đào tạo kỹ năng du lịch qua thực tế công việc ảnh 1

- Xin ông cho biết ý nghĩa và ưu điểm của hệ thống Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam?

- Các tiêu chuẩn VTOS được thiết kế trên cơ sở phân tích và hình thành những công việc người lao động cần thực hiện để hoàn tất yêu cầu của một công việc cụ thể. Từ những phân tích này, các kiến thức và kỹ năng cần thiết được thiết lập nhằm giúp người lao động có thể thực hiện công việc hiệu quả trong điều kiện thông thường.

Điểm mạnh trong việc đào tạo theo hệ thống của VTOS chính là việc đòi hỏi sự thành thạo của kỹ năng thực hành và đạt chuẩn. Các tiêu chuẩn của VTOS sẽ giúp người thực hiện đi theo một quy trình nhất định và hiểu bản chất của công việc mình làm. Qua đó, giúp cho người làm tiết kiệm được thời gian, đảm bảo yêu cầu chất lượng công việc. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn VTOS là cơ sở giúp các doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo ở trình độ cơ bản cho nhân viên và xác định nhu cầu đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo có thể sử dụng tiêu chuẩn VTOS để tham khảo xây dựng chương trình đào tạo sinh viên nghề ở trình độ cơ bản.

Đối với những lao động chưa qua đào tạo nghề du lịch, giờ đây họ có cơ hội lớn để được đào tạo một cách bài bản theo tiêu chuẩn và công nhận trình độ kỹ năng nghề mà họ đã tích lũy sau nhiều năm làm việc.

- Được xây dựng trên cơ sở hệ thống tiêu chuẩn nghề của quốc tế, vậy hệ thống này làm thế nào để đảm bảo phù hợp với đặc trưng riêng của nước ta?

- Khi xây dựng hệ thống này, ngoài việc dựa trên hệ thống tiêu chuẩn nghề của các nước đã thành công trên thế giới, chúng tôi còn mời các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch của nước ta cùng tham gia. Điều này, giúp cho hệ thống trở nên gần gũi và phù hợp với đặc thù du lịch ở nước ta. Và trong quá trình thực thi, chúng tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp, những người tham gia làm du lịch góp ý kiến để hệ thống hoàn thiện và chuẩn xác hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng hệ thống các tiêu chuẩn VTOS và phân chia thành các cấp bậc trình độ khác nhau để dễ dàng đáp ứng yêu cầu của mỗi vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và những khu vực du lịch chưa thực sự phát triển.

- Những khó khăn đối với việc triển khai hệ thống này là gì?

- Mặc dù, thời gian gần đây, nhiều trường có chuyên ngành du lịch sử dụng hệ thống này trong việc đào tạo và nhu cầu của người học tương đối lớn do yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động bởi chứng chỉ VTOS được xem tương đối chuẩn mực, giúp họ tin tưởng vào năng lực, khả năng của nhân lực. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc: thứ nhất là cần sớm khẳng định tính pháp lý của các tiêu chuẩn nghề VTOS, cơ quan thẩm định, cấp chứng chỉ của hệ thống này và chứng chỉ nghề VTOS. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính bền vững của hệ thống. Thứ hai, cần có sự thống nhất và liên kết giữa các hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề đang được áp dụng tại Việt Nam. Thứ ba, do đào tạo theo tiêu chuẩn VTOS đòi hỏi phải thực hành nhiều nên chi phí đào tạo, chi phí thẩm định cao so với mặt bằng thu nhập chung của người lao động, khiến nhiều người còn dè dặt khi đăng ký đào tạo và thẩm định để nhận chứng chỉ.

- Theo ông, làm thế nào để VTOS trở thành nội dung trong chương trình đào tạo du lịch tại các trường chính quy hiện nay?

- Theo tôi, các cơ sở đào tạo về du lịch nên đi theo hướng là bên cạnh việc lồng ghép tiêu chuẩn VTOS vào các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia để áp dụng vào chương trình đào tạo chính quy thì xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sinh viên, học viên cũng cần tính đến việc tổ chức đào tạo theo tiêu chuẩn VTOS để hướng tới việc thẩm định và được cấp chứng chỉ VTOS.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đào tạo kỹ năng du lịch qua thực tế công việc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO