Sau ngày 30.4.1975, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Đây là bối cảnh thuận lợi, là động lực để chư tôn giáo phẩm, tăng ni, Phật tử các tổ chức giáo hội, hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo, mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng. Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức từ ngày 4 - 7.11.1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, quy tụ 9 tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.

Kể từ đó đến nay đã tròn 40 năm, trải qua 8 nhiệm kỳ, tổ chức Giáo hội ngày càng trưởng thành. Từ chỗ thời kỳ đầu có 2 Hội đồng gồm Hội đồng Chứng minh 50 thành viên, Hội đồng Trị sự 49 thành viên, 6 ban, ngành Trung ương và 28 Ban Trị sự tỉnh, thành hội, đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, 224 ủy viên Hội đồng Trị sự và 45 ủy viên dự khuyết.
Thành tựu nổi bật sau 40 năm về công tác tổ chức là Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời kiện toàn và nâng tầm hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Giáo hội quản lý 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả đều hoạt động theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử mấy nghìn năm của Phật giáo Việt Nam, hình thức tổ chức giáo hội chung của chức sắc, tín đồ Phật giáo trên cả nước mới được thành lập. Chưa ở đâu các hệ phái, tổ chức Phật giáo với những truyền thống tu hành đặc trưng lại có thể tập hợp và gắn bó trong ngôi nhà chung mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng, đó không chỉ là kết quả của việc thực hành “hạnh lục hòa” mà còn là tâm nguyện, mong ước chung của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Giáo hội ra đời đã thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thống nhất việc thực hành giáo lý và quản lý hành chính đạo. Trong lịch sử, truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc luôn được Phật giáo Việt Nam phát huy, nhưng chỉ tới khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập thì đường hướng hành đạo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” mới được khẳng định trong Hiến chương của Giáo hội.
Việc thống nhất Phật giáo cả nước trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều kiện quan trọng để Phật giáo được củng cố và phát triển, các tổ chức trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được kiện toàn ở 63/63 tỉnh, thành phố, song song với đó là việc tu học, hoằng pháp, xây dựng cơ sở thờ tự, hoàn thiện hệ thống đào tạo... cũng được thúc đẩy thực hiện.
Với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước có cơ sở vững chắc để đoàn kết, chung tay cùng nhân dân cả nước huy động và tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7.11.1981 - 7.11.2021) vừa qua, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.
“Tôi mong muốn và đặt nhiều niềm tin vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa để phát triển đất nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng. Đồng thời, tiếp tục chung tay đóng góp để xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
“Trải qua chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, dựa trên nền tảng giáo lý mang tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng từ bi, hỉ xả, “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”; lấy phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “hộ quốc, an dân” cho đường hướng hành đạo, Phật giáo luôn luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả các mặt hoạt động kinh tế - xã hội, chung sức, chung lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, cuộc sống yên vui”.
Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc