Đảo ngược
Những gì thế giới đang chứng kiến ở châu Âu và những viễn cảnh u ám mà nước Mỹ phải đối mặt hiện nay khiến người ta liên tưởng đến một sự đảo ngược trong trật tự xã hội hiện đại. Bởi kể từ đầu thế kỷ thứ XIX, các xã hội công nghiệp tiên tiến đã dựa nhiều vào cuộc “hôn nhân” giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị.
![]() Sự thịnh vượng của thế giới phát triển có thể bị đảo ngược |
Tiến bộ kinh tế đã cải thiện cuộc sống của người dân cũng như củng cố lòng trung thành của họ đối với nhà nước. Các cuộc chiến tranh, suy thoái, cách mạng và xung đột giai cấp từng làm gián đoạn chu kỳ này. Nhưng qua thời gian, nước Mỹ, châu Âu và nhiều phần ở châu Á vẫn giữ được sự thịnh vượng đáng nể. Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại có thể đảo ngược chu trình tốt đẹp đó. Tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể gia tăng bất ổn chính trị và ngược lại. Điều đó sẽ tạo ra một cú đổ vỡ lịch sử và đáng ngại.
Chính bóng ma này đang tác động đến cuộc bầu cử Mỹ và toàn thế giới phát triển mặc nó có thể không thành sự thật. Mặc dù các nền kinh tế hiện đại, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ, vẫn còn vững nhưng khả năng đảo chiều không thể bị loại trừ, bởi vì phần lớn các nước tiên tiến đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn, thậm chí ngay cả khi họ thành công trong việc lèo lái con thuyền kinh tế của mình ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các xã hội này không thể giải quyết ổn thỏa các vấn đề như việc làm, tăng lương và trợ cấp chính phủ. Như vậy là, thể chế chính trị có thể bị lung lay. Châu Âu là một ví dụ cho thấy trước một vòng xoáy ảm đạm như thế.
Chỉ riêng một mình vấn đề nhân khẩu học cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm đi. Vấn đề già hóa dân số ở Mỹ, Nhật Bản và phần lớn các nước châu Âu đã làm giảm tăng trưởng trong lực lượng lao động bởi số lao động mới ít hơn hẳn so với số về hưu. Chẳng hạn ở Mỹ, tăng trưởng trung bình của lực lượng lao động hiện nay theo như cơ quan ngân sách của Quốc hội là ở mức 0,5%/năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình của thời kỳ trước năm 1950. Ở những nơi khác, tình hình còn tồi tệ hơn. Ở Đức, lực lượng lao động hầu như không phát triển trong khi tại Nhật Bản, người lao động đang ít đi nhanh chóng. Xét trong ngắn hạn, lực lượng lao động tăng trưởng chậm lại có thể giúp vấn đề thất nghiệp bớt nhức nhối nhưng xét về dài hạn, nó sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.
Từ năm 1950 đến 2011, tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt trung bình là 3,3% hàng năm, chia gần đều giữa mức tăng trung bình của lực lượng lao động là 1,5%/năm và mức tăng năng suất là 1,8%. (Vấn đề năng suất - hiệu quả nói chung phản ánh sự tiến bộ của công nghệ mới, khả năng quản lý và sự lành nghề của người lao động). Khi lực lượng lao động bị co rút, tốc độ mở rộng kinh tế của Mỹ có thể giảm 2,3%/năm, với giả định là năng suất vẫn giữ nguyên.
Trong một bài báo, nhà kinh tế học Robert Gordon của Đại học Northwestern đã dự đoán rằng, năng suất đang đạt đỉnh. Thu nhập bình quân đầu người có thể dần dần giảm một nửa hoặc ít hơn nữa so với lịch sử. Ông viết, phần lớn các nhà kinh tế tin rằng: “tăng trưởng kinh tế là một quá trình liên tục và sẽ tồn tại mãi mãi”. Nhưng với ông, điều này có thể là không.
Gordon đã chỉ ra ba cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng đầu tiên bắt đầu ở Anh vào khoảng năm 1750 với đặc trưng là cây bông, động cơ hơi nước và đường sắt. Cuộc cách mạng thứ hai nổ ra từ 1870 tới 1900, là cuộc cách mạng quan trọng nhất liên quan đến khai thác điện, việc phát minh ra động cơ đốt trong và sự ra đời của hệ thống ống nước trong nhà. Theo ông, những cuộc cách mạng này đã châm ngòi cho các tiến bộ khác, đó là các thiết bị, đường cao tốc, máy bay, thang máy và những phương tiện liên lạc hiện đại như điện thoại, vô tuyến… Gordon ít bị ấn tượng với cuộc cách mạng thứ ba: cuộc cách mạng máy tính, bắt đầu từ khoảng năm 1960. Đúng là cuộc cách mạng này đã khiến việc đặt khách sạn, giao dịch ngân hàng, công tác văn phòng… được thuận lợi hơn. Nhất là gần đây, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng. Nhưng Gordon thấy rằng, Internet, điện thoại thông minh và máy tính bảng thiên về giải trí chứ không phải tiết kiệm sức lao động. Theo lập luận của ông, năng suất lao động cao đạt được từ công nghệ mạng đã phôi phai bắt đầu vào năm 2004.
Tuy nhiên, dù sút kém nhưng đổi mới công nghệ vẫn tiếp tục diễn ra. Nhưng những tác động của nó lên đời sống trung bình của người dân sẽ không như ý. Bất bình đẳng dãn rộng sẽ lại mang lợi cho người giàu. Thuế cao hơn để lấp vào chỗ thâm hụt ngân sách và gánh nặng phúc lợi tăng… Gordon đã tiên đoán về một kỷ nguyên kinh tế trì trệ
Trong khi đó, tiến bộ kinh tế lại rất quan trọng đối với ổn định chính trị. Tiến bộ này mà bị co lại hoặc biến mất, ổn định sẽ gánh hậu quả. Con người mất niềm tin và cảm thấy bị phản bội. Vai trò của tăng trưởng kinh tế ở các xã hội tiên tiến đang tăng lên để cố gắng đáp ứng những than phiền của các nhóm người khác nhau. Con người có thể, hoặc nghĩ rằng mình có thể theo đuổi lợi ích của riêng mình mà không làm hại đến lợi ích chung. Khi xã hội giảm hoặc từ chối nhiều lời than phiền như những gì đang diễn ra ở châu Âu, việc theo đuổi lợi ích riêng trở nên tiêu cực.
Điều đang xảy ra ở Mỹ có sự khác nhau về mức độ so với những gì đang xảy ra ở châu Âu. Tăng trưởng kinh tế bị đình trệ đang làm căng thẳng khả năng đáp ứng mong đợi của hệ thống chính trị. Và thế là con người đổ xuống đường biểu tình, các phe cực đoan trỗi dậy. Để tránh khả năng bị đảo ngược số phận, thế giới phát triển cần phải gắng hết sức tìm giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế để giảm gánh nặng cuộc sống cho người dân.