Đạo đức kinh doanh là gốc rễ của văn hóa doanh nghiệp

Minh Trang 12/09/2020 05:11

Đây là ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tại Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu” do Báo Văn hóa tổ chức ngày 11.9.

Theo PGS.TS. Dương Thị Liễu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, quan niệm và hành vi của doanh nghiệp, chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được chia sẻ bởi các thành viên và tạo nên bản sắc của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp bao gồm nhiều yếu tố cấu thành và được thể hiện qua 3 cấp độ. Cấp độ 1 là những quá trình và cấu trúc hữu hình; cấp độ 2 gồm những giá trị được chấp nhận, công bố, chia sẻ; cấp độ 3 là những giá trị nền tảng.

Toàn cảnh hội thảo Ảnh: Minh Trang
Toàn cảnh hội thảo
Ảnh: Minh Trang

Bên cạnh hiệu quả kinh tế đơn thuần như giảm chi phí tăng lợi nhuận, các ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh: Giá trị của doanh nghiệp là cốt lõi trong câu chuyện phát triển bền vững. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, TS. Võ Trí Thành cho rằng, cách ứng xử, kết nối với con người và trách nhiệm xã hội ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của mỗi doanh nghiệp. Nền tảng lớn mạnh nhất của quản trị chiến lược doanh nghiệp chính là công nghệ đổi mới sáng tạo và văn hóa.

Gốc rễ của văn hóa doanh nghiệp, theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chính là đạo đức kinh doanh. Đạo đức kinh doanh không chỉ là cách thức chúng ta nhìn nhận sản phẩm, mà còn phải xem xét từ việc doanh nghiệp tương tác với xã hội bên ngoài và tương tác nội bộ như thế nào. Ông Thịnh cũng chỉ rõ những nội dung doanh nghiệp hiện nay cần hoàn thiện là sản phẩm, bộ nhận diện, hoạt động giao tiếp với xã hội và nội bộ.

Đề cập đến bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ông Lê Quang Vũ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phát triển nội dung Blue C cho rằng, khủng hoảng là phép thử đối với những giá trị cốt lõi, là cơ hội để gắn kết và đánh giá con người. Để vượt qua khó khăn do đại dịch nói riêng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp cần trao quyền và tăng khả năng tự chủ của nhân viên, linh hoạt với chế độ làm việc từ xa và tăng cường môi trường làm việc số.

Để xây dựng, thay đổi văn hóa doanh nghiệp phù hợp, PGS.TS. Dương Thị Liễu đưa ra một số gợi ý. Theo đó, đội ngũ lãnh đạo trong “kỷ nguyên số” phải sở hữu tầm nhìn về công nghệ. Hiện nay, không ít chủ doanh nghiệp còn rất hạn chế ở khía cạnh này. “Người làm lãnh đạo phải hiểu rõ những công nghệ mới cũng như bản chất của nó, từ đó mới có thể ứng dụng thành công vào văn hóa, quy trình vận hành của doanh nghiệp”. Cùng với đó, cải thiện văn hóa doanh nghiệp theo hướng minh bạch hơn. Tính minh bạch trong doanh nghiệp là sự cởi mở, đề cao và thực hiện có hiệu quả việc chia sẻ thẳng thắn và rõ ràng về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi; chiến lược; quy trình hoạt động và mọi kết quả đạt được của tổ chức lẫn nhân viên doanh nghiệp. Bà Liễu cũng lưu ý, văn hóa doanh nghiệp không thể xây dựng trong một sớm một chiều mà đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì”, bà Liễu nói.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đạo đức kinh doanh là gốc rễ của văn hóa doanh nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO