Đạo diễn thử nghiệm thì người xem thực nghiệm
Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái lật lại một vở kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ như một ví dụ về kịch thử nghiệm và nêu những băn khoăn xung quanh quan niệm về kịch thử nghiệm hiện nay.
Ngay lần đầu xem vở Nguyễn Du với Kiều ở Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi đã thốt lên: đúng là một vở thử nghiệm. Có cái để xem và có cả cái để bàn bạc. Cái để xem ở đây bắt đầu từ sự chuyển ngữ táo bạo của người viết kịch bản, từ Truyện Kiều của Nguyễn Du (với hơn 3.000 câu thơ lục bát đặc sắc, kể chuyện đời Thúy Kiều suốt mười lăm năm lưu lạc giang hồ) mà thành kịch bản và vở diễn, đều bởi một tay NSND Lan Hương. Người xem, nhất là người từng đọc, từng yêu, từng muốn hiểu đến đáy chữ nghĩa Truyện Kiều, từng sống với những mã văn chương của Truyện Kiều đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt, đã cùng nhau hào hứng xem vở diễn, với cái tên gợi cảm Nguyễn Du với Kiều. Rằng hay thì có hay. Song, đúng với thân phận thử nghiệm, tự thân vở diễn đã đặt ra những vấn đề cần được đối thoại, từ phía công chúng thưởng thức.
![]() Cảnh đánh ghen lạ lùng trong vở Nguyễn Du với Kiều Ảnh: Thế Toàn |
Dùng hình thể diễn viên làm phương tiện chính để kể lại Truyện Kiều trên sân khấu, Lan Hương đã sáng tạo trong xử lý không gian sân khấu đa nghĩa, với bục bệ biến hóa, những dải lụa nhiều màu chuyển động không ngừng, xoay vần màu sắc như thể “con tạo xoay vần” và có đôi cảnh sân khấu ngoạn mục trong xử lý ánh sáng khá là bắt mắt. Rõ ràng, đạo diễn đã không hề ngần ngại dùng nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, nhất là những điệu hát chèo, vũ đạo chèo, trong sự kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại… nhằm tạo không gian nhiều biến đổi, thuận tiện cho diễn viên dùng ngôn ngữ hình thể là chủ yếu để lột tả vai diễn, nhất là vai diễn đa diện như vai Thúy Kiều. Nhưng, do sự lúng túng, chênh vênh, chưa mạch lạc, dứt khoát chọn bề nào, giữa ngôn ngữ ước lệ và tả thực trong cách kể chuyện sân khấu của Lan Hương, nên vở diễn chưa đạt tới sự nhất quán về ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn.
Một mặt, là đạo diễn, Lan Hương phải giữ nhịp cho mạch truyện chuyển động theo cấu trúc vốn chặt chẽ của văn bản Truyện Kiều, kể từ khi Kiều “ngộ biến”, bị bán vào lầu xanh hai lần, hai lần rơi xuống thân phận “con ở”, suốt mười lăm năm lưu lạc bèo dạt mây trôi, ba chìm bảy nổi, khổ đau đến mức phải gieo mình xuống sông Tiền Đường tự vẫn… cho đến ngày đoàn tụ với gia đình. Tất cả thân phận Kiều cho đến lúc “đoàn viên” ấy, đã chỉ còn lại tấm “thân tàn”. Mở lòng bàn tay, Kiều chỉ thấy mình cầm giữ được “chữ trinh còn một chút này”.
Mặt khác, khi phải chạy theo hành trình các sự biến, các nút thắt, các tâm trạng đa đoan của Kiều, và nảy sinh lo lắng rằng việc diễn đạt các nhân vật trong Kiều, nhất là tâm trạng Kiều sẽ có thể không được “đong đầy” trên sân khấu bằng phương tiện hình thể (không lời), nên Lan Hương đã “đắc ý” dựng thêm vào sân khấu hai nhân vật: Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, với vai trò người dẫn chuyện, đọc thơ và bình luận sự kiện, thậm chí can thiệp… cốt để người xem khỏi bị lạc lối và ngộ nhận. Tiếc rằng, việc làm có vẻ kín kẽ này của đạo diễn đã khiến vở diễn bị nhiễu, đôi cảnh sân khấu lẽ ra không lời thì lại rất nhiều lời, thí dụ cảnh đánh ghen lạ lùng của Hoạn Thư, cố tình đẩy cả Kiều và Thúc Sinh vào tình huống tay ba oái oăm “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Ai đọc Kiều mà chẳng thấy Hoạn Thư ghen đến thế là cùng, và “Hoạn Thư” đã thành “mã” về cái ghen của người vợ khi chồng dám cả gan qua mặt mình, lập “phòng nhì”. Vậy có thừa không, khi Lan Hương phải đưa cả Nguyễn Du lẫn Hồ Xuân Hương vào cảnh kịch này, cùng nhau biện giải về chuyện chung chồng và Hồ Xuân Hương phải kêu lên bằng thơ của mình: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Hai cảnh huống này không cùng chủ đề, nên việc trộn chúng vào nhau trên sân khấu là thừa và rất ngược với ngôn ngữ hình thể vốn kiệm lời. Mặc dù, xem Nguyễn Du và Kiều, không ai nghi ngờ thiện tâm, cùng ý tưởng đưa lên sân khấu một cách cắt nghĩa mới về Nguyễn Du với Kiều của đạo diễn Lan Hương.
Sự lúng túng và lùng nhùng mâu thuẫn trong thử nghiệm vở diễn như thế, có thể là do chính sự cắt nghĩa sân khấu của Lan Hương chưa hẳn dựa trên hiểu biết sâu sắc về văn bản Kiều từ trong hình thái ngôn ngữ văn tự. Do vậy, đạo diễn đã lầm tưởng rằng cứ thương Kiều, cứ nghĩ ngợi đau đáu về thế giới tâm linh của Kiều, cứ kể chuyện Kiều theo cách yêu Kiều của riêng mình là yên tâm về mọi nhẽ, khi đưa truyện Kiều lên sân khấu thử nghiệm. Và việc phải cầu viện đến hai tác giả Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương cùng bước lên sân khấu, lại đưa cả Đạm Tiên bước ra khỏi nấm mộ chôn mình, hơn một lần, cả ba nhân vật đã can dự vào đời Kiều và đạo diễn tự ưng ý cho rằng đã đưa được Kiều đi suốt vở diễn một cách thông suốt, nhằm đạt đến tư tưởng Nguyễn Du “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, thì như thế có phải đã quá nhiều phát ngôn trong một vở kịch hình thể không?
Ở đây, trong cách làm khá là mâu thuẫn này của Lan Hương, đã hiện ra thấp thoáng cái bi kịch mà rất ít đạo diễn muốn thừa nhận, nhất là khi chuyển ngữ tác phẩm Truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du - đó là bi kịch “đọc không vỡ chữ”… Việc thêm thắt khá tùy tiện như thế đã tự nhiên dẫn đến rối loạn trong việc phân vai. Diễn viên Như Lai đã chuyển vai một cách nhọc nhằn khi phải đóng đến năm vai kịch: Nguyễn Du, Vương Ông, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, là những vai kịch rất khác nhau về tính cách, hình dong… Nguyệt Hằng, Đàm Hằng cũng lãnh mỗi người bốn vai, Hoàng Tùng, Việt Hùng cũng “một mình diễn cả hai vai chèo”. May sao vai Thúy Kiều chỉ do một mình Như Quỳnh đảm nhiệm và Đạm Tiên cũng chỉ mình Thanh Hà vào vai, Sở Khanh do Khải Hưng thể hiện… Với cách phân vai chồng chất vai như thế, vở diễn đã không đem lại hiệu ứng sân khấu phải có, khi người đọc buộc phải đối chiếu cái sâu sắc trong việc khắc họa bằng chữ của văn chương Truyện Kiều với cái nhàn nhạt, nhang nhác nhau của một người hóa thân vào quá nhiều vai trên sân khấu. Chính vì những lúng túng và ngộ nhận như thế của đạo diễn về văn bản Kiều trong việc chuyển ngữ Truyện Kiều lên sân khấu, cùng với sự thiếu nhất quán về ngôn ngữ dàn dựng, nên cái kết của vở diễn đã rơi vào thử nghiệm quá đà. Và đã gây tranh cãi trong công chúng thưởng ngoạn.
Trước sau, tôi vẫn giữ nguyên ý kiến của mình khi báo Tuổi trẻ phỏng vấn tôi về cái kết của vở diễn, khi đạo diễn Lan Hương khép lại Nguyễn Du với Kiều, bằng cách đưa Thúy Kiều lên thành hình tượng Phật Bà một cách thiếu thuyết phục:
Dân gian Việt từ xa xưa đã tạo ra (sáng tạo) những Phật Bà riêng của mình, nhất là Phật Mẫu (gốc từ Ấn Độ là Phật Ông). Theo đó, việc trở thành Phật Bà Quan Âm của nhân vật Thị Kính trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, đã được dân gian Việt chấp nhận, phong tặng từ xưa và trở thành tích chèo quen thuộc cả với công chúng hiện đại.
Và bản thân Đoạn trường tân thanh là tác phẩm mà Nguyễn Du phóng tác, cũng không có sự kiện ấy, huống chi, sự kiện ấy không hề liên quan đến tư tưởng cơ bản trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nguyễn Du muốn qua nhân vật Kiều để thấy một bi kịch về thân phận người phụ nữ truân chuyên tài hoa mệnh bạc và hơn thế, ông lại còn muốn chống lại “số mệnh” bằng triết lý “nhân định thắng thiên”... Theo tôi, kết thúc có hậu trong Truyện Kiều không phải chỉ là cuộc trùng phùng Kim - Kiều, mà ở cái cách cô Kiều giải quyết mối quan hệ ấy, chuyển từ tình “cầm sắt” (vợ chồng) sang “cầm cờ” (tình bạn). Kim Trọng cũng buộc phải thuận theo quyết định ấy. Và có lẽ Nguyễn Du muốn người đọc “vui” khi khép lại tác phẩm (“mua vui cũng được một vài trống canh”) theo cách giải quyết khỏe khoắn ấy của Kiều (và chính là của ông), cho dù cả cuộc đời Kiều, người đọc đã chỉ thấy “lệ chảy quanh thân” (thơ Tố Hữu).
Tưởng thưởng cho Kiều bằng cách đưa Kiều lên thành Phật Bà, nhân danh cách làm mới của đạo diễn Lan Hương để khép lại vở diễn, như vậy, theo tôi là không đúng, không thuyết phục, mặc dù, rất có thể làm sân khấu hoành tráng, lộng lẫy hơn về hình thức. Quyền năng của đạo diễn với vở diễn có thể là vô hạn, nhưng cái hữu hạn lại ở nền tảng văn hóa, trong tính đặc thù của tư duy đạo diễn đối với vở diễn. Trong trường hợp này, đạo diễn phải hiểu và chuyển thể Truyện Kiều đúng với căn cơ văn hóa văn chương trong tác phẩm lớn của thi sĩ lớn, hoàn toàn khác cách tư duy của diễn viên cho một vai diễn nhỏ lẻ. Vì thế, đạo diễn phải nên cẩn trọng. Tuy nhiên, đây là vở diễn thử nghiệm, mà thử nghiệm thì có thử đúng và chưa đúng, hay và chưa hay, nên phải chịu sự thực nghiệm từ phía người xem…