Dạo chơi vườn điện ảnh: Trợ lý đạo diễn

12/12/2006 00:00

Trợ lý đạo diễn là một vị trí, một nghề nghiệp cho dù mỗi nơi có cách gọi khác nhau. Điện ảnh các nước phân vai trò trợ lý (assistant) theo thứ bậc: trợ lý thứ nhất, trợ lý thứ hai... Ở ta, trợ lý thứ nhất gọi là phó đạo diễn, sau đó mới đến trợ lý. Chức danh nào thì thực chất trợ lý đạo diễn cũng là cánh tay mặt, người phụ tá đắc lực của đạo diễn trong suốt phim.

      Trên lý thuyết trợ lý đạo diễn phải tốt nghiệp khoa đạo diễn, có thể và có khả năng thay thế đạo diễn khi cần thiết. Người trợ lý giỏi thậm chí có thể là quân sư, cái đầu thứ hai của đạo diễn. Cũng trên lý thuyết trợ lý phải làm việc với đạo diễn từ lúc manh nha đề án cho đến khi phim hoàn tất, tuy nhiên trợ lý đạo diễn ở ta thường chỉ chính thức bắt đầu công việc khi đạo diễn đã viết xong phân cảnh, và công việc trợ lý ở ta cũng mang tính sự vụ hơn. Giống như đạo diễn, trợ lý đạo diễn là một nghề cực nhọc, đòi hỏi sức khỏe, sự tháo vát, quyết liệt... nên phụ nữ không thích hợp. Thế nhưng vẫn có những ngoại lệ: nữ đạo diễn Nhuệ Giang - và gần đây diễn viên Ngọc Hiệp - đã từng là phó xuất sắc cho các đạo diễn tên tuổi. 
      Công việc trợ lý đạo diễn trải dài trên ba giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn quay và giai đoạn hậu kỳ. Trong giai đoạn chuẩn bị, trợ lý đạo diễn phải tiến hành hai việc chính: đề xuất diễn viên; lên kế hoạch toàn trình.
      Đề xuất diễn viên
      Do đặc tính nghề nghiệp, trợ lý đạo diễn phải luôn luôn thủ sẵn trong bộ nhớ một kho danh sách diễn viên, chuyên lẫn không chuyên. Khi đọc kịch bản, lập tức anh (chị) ta sẽ hình dung ngay những gương mặt tương thích để đề xuất cho đạo diễn. Đối với diễn viên chuyên nghiệp, nổi tiếng thì trợ lý không có “công lao” gì lớn trong việc đề xuất bởi đạo diễn cũng đã biết. Nhưng với các ứng viên không chuyên thì rõ ràng cái “kho” của trợ lý đạo diễn rất đắc dụng. Để sưu tập được những kho tàng như vậy trợ lý đạo diễn phải là người quảng giao, nhạy cảm trong đánh giá khả năng diễn xuất. Nhiều “diễn viên” xuất sắc đã được phát hiện thông qua các tao ngộ bất ngờ đâu đó của các anh (chị) trợ lý đạo diễn. Thành ra, nếu thấy các trợ lý đạo diễn điện ảnh hay có “tật” ngắm nghía người ta, ngó nghiêng gái đẹp thì bạn nên thông cảm: đó là chuyện của... nghề.
      Kế hoạch toàn trình
      Là kế hoạch, chương trình chung cho suốt cả giai đoạn quay. Để tiết kiệm thời gian lẫn chi phí sản xuất người ta không thể quay tuần tự theo cốt truyện mà phải nhảy cóc cho tiện khâu tổ chức. Thí dụ truyện phim xảy ra trên hai địa điểm (Hà Nội - Huế) chẳng hạn, mỗi địa điểm có hai bối cảnh (trong nhà - đường phố), mỗi bối cảnh có hai thời điểm (ngày - đêm)... Trên cơ sở phân cảnh, người trợ lý đạo diễn sẽ chia tách nội dung quay theo từng cụm: bối cảnh nào trùng địa điểm, nhân vật, thời điểm... sẽ xếp lịch quay chung, bất luận trong kịch bản các cảnh đó xảy ra ở cuối phim hay đầu phim. Nếu phim có hiệu quả đặc biệt: mưa, gió, nổ, cháy... thì người trợ lý phải cụm luôn hiệu quả: các cảnh mưa, nổ... cùng địa điểm phải gom vô một nhóm, quay chung một lúc cho dẫu trong phim chúng xảy ra cách nhau mấy mươi năm! Chuyên môn gọi công việc gom, xếp cảnh quay thành những “cụm” như thế là lọc cảnh.
      Sau khi đã lọc cảnh, trợ lý đạo diễn sẽ căn cứ độ dài các cảnh để tính mỗi cụm quay mấy ngày, cụ thể những ngày nào... Kế hoạch toàn trình là công việc vô cùng tỉ mỉ, đòi hỏi tính hợp lý, khoa học bởi đó là lịch quay chính xác, tiện ích cho tất cả các bộ phận. Trên thực tế một kịch bản có hàng chục, hàng trăm bối cảnh; người trợ lý do đó phải tính toán nát óc mới lập ra được kế hoạch tương đối. Nói tương đối vì kế hoạch chung lệ thuộc rất nhiều khâu. Nhìn chương trình, chủ nhiệm có thể bảo: “Hôm đó chưa có giấy phép nha”. Họa sỹ có thể phán: “Bối cảnh hôm đó chưa xong”. Diễn viên có thể hăm: “Hôm đó em mắc diễn kịch”. Trời cao có thể dọa: “Hôm đó ta sẽ mưa”... Do vậy khi lên kế hoạch toàn trình, trợ lý đạo diễn phải tham khảo với tất cả những ai, những bộ phận có khả năng làm... vỡ kế hoạch. Dù sao để chắc ăn và dễ du di theo thực tế, sau khi có kế hoạch chung cho cả giai đoạn quay(1) trợ lý đạo diễn lại phải tách kế hoạch chung ra kế hoạch từng tuần một. Trong nhiều đoàn phim, kế hoạch toàn trình có thể do chủ nhiệm lập, nhưng vẫn phải thoả thuận với trợ lý đạo diễn bởi họ “nắm” diễn viên - yếu tố thường xuyên gây vỡ kế hoạch.
      Những công việc kể trên quả nặng nhọc với vai trò trợ lý nhưng chỉ đến giai đoạn quay vai trò đó mới thật sự phức tạp. Như chiếc cầu nối, cái ăngten giữa đạo diễn và các bộ môn; trước mỗi cảnh quay trợ lý đạo diễn phải tập hợp diễn viên, phải đốc thúc, kiểm tra mọi người chuẩn bị ra sao... Nhanh nhẹn, tháo vát, có thể nói trợ lý đạo diễn là người hô đâu có đó. Một lần đang quay nội cảnh Chung cư, đạo diễn bỗng ước ao có một quần chúng con nít. Ước khơi thế thôi bởi không dự tính trước, nhưng chỉ dăm phút sau trợ lý đã đưa đến cảnh quay một nhóc khăn quàng đỏ: Ra đường thấy nhỏ đi học về em túm luôn(2). Dù sao, chỉ với những đại cảnh đông quần chúng, bày binh bố trận mới thấy hết vai trò trợ lý. Trong điện ảnh, chuyện trợ lý đạo diễn kiệt sức, tắt tiếng sau những cảnh quay lớn là chuyện... bình thường. 
      Trên lý thuyết, cứ một cảnh quay khởi động người trợ lý phải lập tức trở thành con mắt thứ hai của đạo diễn: phải giương mắt, căng tai để kịp thời nhận ra những khiếm khuyết mà có thể do quá căng thẳng đạo diễn không thấy. Trợ lý đạo diễn là một nghề lý thú, dù đôi khi cũng gặp “nạn”, như đạo diễn Vinh Sơn khi còn làm phó cho phim Gánh xiếc rong: phim quay vùng Ninh Sơn với người dân tộc Rak-lây đóng vai quần chúng. Sau mỗi cảnh quay diễn viên xếp hàng nhận thù lao. Cảnh quay đầu tiên 80 người nhưng chi tiền đến 70 mà hàng ngũ vẫn dằng dặc...(!?). Hóa ra bà con ta lĩnh xong, “hồn nhiên”... nối đuôi tiếp. Người dân tộc vốn ngăm đen giống nhau, khố váy giống nhau nên lần đó phó Sơn đành thua cuộc, rút kinh nghiệm chắn dây, chắn rào cẩn thận lần sau. 
      Đạo diễn Trần Ngọc Phong có lẽ khó quên chuyện dài trẻ sơ sinh thời trợ lý phim Dấu ấn của quỷ: kịch bản cần một bé sơ sinh đóng vai con của Cô gái quỷ. Khổ thân Phong: trẻ con dăm ba tháng còn dễ kiếm chứ trẻ sơ sinh – mà lại giữa ngôi làng - thì... nan giải. Lùng sục mãi phó Phong cũng tầm ra một nhóc. Ỉ ôi hết kiểu, thù lao hết ý gia đình bé mới cho con đóng với điều kiện chú “Phong” phải nhậu với... ông nội bé! Một bữa quắc cần câu vì nghệ thuật thôi cũng được nhưng đâu đã hết khổ: đến cảnh quay trên biển (tỉnh khác) lại phải tìm tí sơ sinh khác. Sau mấy buổi lân la thù tạc phó Phong được ông cha vui tính tiến cử... con với thù lao khá hậu. Hai tháng sau, khi phim đã xong, đoàn phim đã tan tác người đi mỗi ngả thì phó Phong nhận được lá thư từ... biển. Trong thư người cha vui tính khi xưa báo anh một tin... buồn: “Do quay phim hôm đó nên hôm nay cháu sốt”. Trời ạ, quay hai tháng trước mà hôm nay mới... sốt?! Biết bị oan nhưng nghĩ đến trăm thứ lăng nhăng không lường trước, phó Phong đành móc tháng lương gửi tiền “thuốc thang” cho... ông bố.
      Vậy đó. Chắc chắn mỗi trợ lý đạo diễn đều có một pho bi-hài kịch, đôi khi ngán ngẩm, nguy hiểm. Dù thế nào nghề trợ lý đạo diễn cũng là nghề vui thú bởi nó giúp người hành nghiệp trở nên năng động, quảng giao trong xã hội. Và quan trọng, nếu bạn có âm mưu trở thành đạo diễn thì nơi đây, cái nghề này chính là nấc thang, là kho tàng kinh nghiệm lớn không phải trường lớp nào cũng cung cấp được.

      ________________________
      1 Thời gian quay ở ta khoảng 6 - 8 tuần.
      2 Tài rủ rê này thật ra chỉ đắc dụng trên xứ ta, chứ ở Tây mà mượn người ngang xương kiểu đó - thuê diễn viên quần chúng không qua các nghiệp đoàn - là vi phạm luật lao động.

Việt Linh 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dạo chơi vườn điện ảnh: Trợ lý đạo diễn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO