Đảo chính có phải câu trả lời?

Quỳnh Vũ 24/11/2017 08:30

Những sự kiện xảy ra ở Zimbabwe vừa qua mở đầu cho sự kết thúc triều đại Robert Mugabe, vốn cũng mục ruỗng và trì trệ. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, sự can thiệp quân sự vào chính trường là vì lợi ích của các lãnh đạo quân đội hơn là lợi ích quốc gia.

Dấu ấn 37 năm cầm quyền của ông Mugabe là lạm phát phi mã, thiếu nước, điện và tiền mất giá... Hàng triệu người Zimbabwe rời bỏ đất nước để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Phần lớn người ở lại sống trong cảnh đói nghèo và bệnh tật. Chính vì vậy, không ít người dân đã mừng rơi nước mắt khi Tổng thống Mugabe tuyên bố từ bỏ quyền lực. Diễn biến này là bước ngoặt mà họ trông chờ để dẫn đến một cuộc cải tổ toàn diện đất nước. Nhưng điều gì đang chờ đón họ phía trước, đó chưa hẳn đã là câu trả lời tích cực.

Mặc dù quân đội Zimbabwe đã tìm cách giảm nhẹ những gì đang xảy ra khi tuyên bố đây không phải đảo chính mà là hành động trấn áp những tên tội phạm xung quanh Tổng thống. Nhưng quan trọng hơn, có dấu hiệu cho thấy sự can thiệp của quân đội là vì lợi ích của các lãnh đạo quân đội hơn là lợi ích quốc gia - một yếu tố khiến cho triển vọng cải cách kinh tế và dân chủ trở nên ảm đạm.

Sự thực là ông Mugabe và Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF) cầm quyền không được nhiều người ủng hộ. Nhưng quân đội chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của ZANU-PF.

Ông Emmerson Mnangagwa đã trở lại Zimbabwe và sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống
Ông Emmerson Mnangagwa đã trở lại Zimbabwe và sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống

Còn nhớ quân đội đã từng im lặng khi nguyên Phó Tổng thống Joice Mujuru, một cựu binh được nhiều người dân ngưỡng mộ, bị cách chức năm 2014 vì muốn tranh cử Tổng thống. Quân đội chỉ ra tay khi Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, được xem là đồng minh lâu đời nhất của Tổng thống Mugabe, đồng thời là nhân vật được quân đội đặc biệt hậu thuẫn, bị sa thải hồi đầu tháng này. Ông Mnangagwa nắm giữ vị trí quan trọng trong Bộ An ninh từ năm 1980 - 1988 và làm việc trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2009 - 2013 trước khi lên làm Phó Tổng thống.

Điều đó cho thấy hành động phản ứng cuộc nội chiến bên trong ZANU-PF chứ không phải hành động vì nhân dân. Trong nhiều tháng qua, căng thẳng xuất hiện trong nội bộ đảng khi có thông tin ông Mugabe định để đệ nhất phu nhân Grace Mugabe kế vị mình, thay vì ông Mnangagwa.

Trong bối cảnh xã hội dân sự Zimbabwe suy yếu còn các đảng đối lập chia rẽ, khả năng quân đội tiếp quản chính quyền là khá cao. Quân đội sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ dư luận đang khao khát có nhà lãnh đạo nào giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo thông tin mới nhất, ông Mnangagwa đã trở về nước để tuyên thệ nhậm chức Tổng thống với sự hậu thuẫn của quân đội. Đối với nhiều người, đây là lựa chọn tốt nhất - nhân vật từng tham gia cuộc chiến giành độc lập lên lãnh đạo đất nước. Nhưng hiện còn quá sớm để biết hiệu quả của bước đi này. Trong kịch bản tốt nhất, ông Mnangagwa sẽ điều hành đất nước cho đến khi cuộc bầu cử kế tiếp, dự kiến diễn ra vào năm tới. Nhưng nếu tình hình vẫn trong tầm kiểm soát của quân đội, bầu cử khó xảy ra như kế hoạch. Quân đội sẽ cần thêm thời gian để thu xếp một kết quả có thể đoán trước cho chính mình.

Trong khi người dân Zimbabwe khắp nơi đang ăn mừng giây phút chế độ của ông Mugabe kéo dài gần 40 năm qua sụp đổ, thì chờ họ phía trước vẫn là một tương lai ảm đạm. Đảo chính không phải cách tiến bộ để đạt được các mục tiêu dân chủ. Một khi nắm quyền kiểm soát, quân đội sẽ đặt lợi ích của mình lên hàng đầu. Mọi hy vọng vào một tương lai cải cách phụ thuộc việc quân đội sẽ trao lại quyền lực cho người dân như thế nào và bao giờ. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đảo chính có phải câu trả lời?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO