Đảo An Tiêm
Truyện ngắn của Hữu Tuân
Dân chài đánh cá xa bờ về kể chuyện, những lúc gặp bão tố thường đưa thuyền vào trú tại một hòn đảo cách đất liền khoảng hơn trăm dặm. Tục gọi là đảo Xa. Dân đảo, phần nhiều thuộc các châu Giao Chỉ, Ninh Hải, Cửu Chân, Hoài Hoan… sinh sống lâu đời ở đấy. Họ rất mừng khi được gặp lại đồng hương. Tuy vậy, giáp mặt chúa đảo, nhiều người rất sợ dù hắn chưa hề quát tháo, mắng mỏ ai.
Để nắm rõ sự tình, Vua Hùng cử người ra đảo dò xét. Đảo Xa xanh ngắt nằm giữa trùng dương bát ngát, có bãi cát vàng chạy vòng quanh, có đồi núi nhấp nhô với cánh nguyên sinh sừng sững qua muôn ngàn bão táp từ nghìn vạn năm nay. Sau khi triệu đình thần bàn bạc, Hùng Vương cho gọi hoàng tử thứ năm tới bệ kiến:
- An Tiêm, ta giao cho con một sứ mệnh trọng đại. Lĩnh ấn Lạc hầu, con hãy ra đảo Xa vỗ về dân chúng, đặt đồn binh trấn giữ. Không để một tấc đất nào của nước Văn Lang ta rơi vào tay giặc.
Chẳng phải ngẫu nhiên, Vua Hùng giao phó việc này cho đứa con trai vốn thông minh, đảm lược. Chàng mới ngoài hai mươi tuổi. Vợ chẳng may qua đời sớm để lại Mai Hương, con gái đầu lòng lên ba. Nàng Quế, con một vị tù trưởng giàu thế lực vùng Sóc Sơn, bạn thân của vợ chàng, thương bạn gái tài sắc mà mệnh yểu, bèn xin phép cha và tâu bày với đức vua, xin vào cung săn sóc con của bạn. Vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kín đáo của cô gái miền sơn cước, nàng hòa nhập nhanh với cuộc sống đô thành. Mấy tháng đầu, cháu Mai Hương cứ khóc hoài, không chịu theo nàng, miệng luôn mếu máo:
- Mẹ con đâu sao không về với con, hở cha?
Câu hỏi ngây thơ mà xé ruột xé gan An Tiêm. Đêm đêm, ôm con ngủ, chàng thủ thỉ khuyên nhủ con. Phải lâu sau, bé mới nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ. Nàng Quế đã làm quen được với bé. Nàng gần gũi, bế bồng, chăm sóc từng giấc ngủ, từng bữa ăn, lại tập múa hát cho bé khiến cháu ngày thêm cảm mến, không rời cô nửa bước. Nàng Quế thương con bạn như con mình, nàng dịu hiền, sắc sảo, nên rất được An Tiêm quý mến.
![]() Minh họa của Đặng Hồng Quân |
Sáng mùa xuân trời xanh, biển biếc. Đàn chim hải âu sải cánh bay lượn trên làn sóng vỗ êm đềm. Tưởng xuôi chèo mát mái, nào ngờ mới non nửa đường, một trận cuồng phong ập tới. Sóng vỗ điên cuồng. Mây đen đùn lên dữ dội khiến trời đất mù mịt. Thuyền bị đánh dạt tứ tung. Bỗng hiện lên thủy thần với tiếng quát át cả sấm chớp rền vang:
- Ta là thủy thần đây. Ta cần một thứ phi. Nghe ta, biển cả sẽ trở lại bình yên.
Một cô gái làng chài nghe thế, hiểu ngay yêu sách của thủy thần. Nàng lập tức nhảy xuống lớp sóng đang gầm réo, để cứu toàn bộ gia đình và họ hàng có mặt trên thuyền. An Tiêm xót xa nhìn theo bóng cô gái chìm nhanh. Song, gió vẫn gào rú. Sóng vẫn dựng lên những cột nước khổng lồ ném nhiều chiếc thuyền văng ra xa. Lần này, thủy thần hiện lên, giận dữ:
- Ta cần thứ phi xinh đẹp. An Tiêm, nghe ra chưa? Nếu không, toàn bộ các ngươi sẽ bị vùi thây đáy biển.
Cũng như An Tiêm, nàng Quế hiểu thủy thần ám chỉ ai. Hàng trăm sinh mạng đang lệ thuộc vào nàng. Trao bé Mai Hương cho thị nữ, nàng gạt lệ gỡ bàn tay nhỏ xíu đang cố níu chặt trong tiếng kêu khóc ngằn ngặt. Nàng chỉ nói nhanh với An Tiêm:
- Chàng ở lại. Em đi đây.
Chàng không kịp ngăn thì một cơn sóng xanh nhức mắt đã ôm choàng lấy nàng Quế rồi tan biến. Phút chốc, sóng lặng gió êm như chưa hề trước đó đã xảy ra bão tố kinh hoàng. An Tiêm cảm thương người bạn gái bấy lâu thân thiết với chàng. Nhìn quanh, chàng giật mình. Không hiểu sao, đoàn thuyền chỉ cách đảo vài ba dặm. Trên đó, hiện lên những bóng người lố nhố. Thì ra, thấy trời đất bỗng nổi cơn cuồng nộ, họ liền đổ xô ra bãi biển, lo lắng nhìn phía khơi xa. Nắng trải mênh mông. Đàn chim én tím biếc lượn vòng tíu tít. Tiếng chim hót lanh lảnh. Đoàn thuyền cập bến nhưng chưa được lên bờ. Phải đợi lệnh chúa đảo. Gần hai chục tráng binh, gươm giáo chỉnh tề dàn hàng ngang trước đám người mệt mỏi, rã rời.
An Tiêm được dẫn đến một ngôi nhà gỗ bề thế. Sân rộng thênh thang. Vườn cây xanh tươi. Chàng điềm tĩnh đi giữa hai hàng tiêu binh to cao, cũng gươm giáo sáng quắc. Chúa đảo Trương Kiệt lực lưỡng, tuổi ngoại năm mươi, đường bệ ngồi trên chiếc ghế tựa gỗ mun bóng loáng, cặp mắt diều hâu mở to nhìn ông khách không mời mà đến. Bên trái hắn dựng thanh đại đao khổng lồ, thoạt trông đã chết khiếp. Ngồi bên phải, Trương Thúy Anh, con gái rượu của hắn, chừng mười tám đôi mươi, duyên dáng, xinh xắn, vẻ đẹp hồn nhiên người biển đảo. Nàng đưa đôi mắt tinh anh, thiện cảm nhìn vị khách trẻ trung, khác hẳn cha nàng. An Tiêm vẫn tỏ ra vui vẻ:
- Chào huynh trưởng. Tôi ra đây vâng theo chỉ dụ của quốc vương.
Trương Kiệt gầm gừ:
- Quốc vương? Các ngươi muốn gì?
- Chúng tôi cần có mặt ở đây cùng huynh trưởng bảo vệ đảo trước họa xâm lăng của người phương Bắc. Mời huynh trưởng tiếp chiếu.
Mặc dầu là tay thảo khấu, Trương Kiệt vẫn phải giữ lễ vua tôi. Tiếp chiếu xong, hắn đứng dậy mời khách ngồi cùng thương nghị. An Tiêm đã thuyết phục được chúa đảo hợp tác với mình. Chàng không muốn lấy cớ quan to triều đình đến trị nhậm, để bắt hắn phục tùng. Đội tráng binh vẫn do hắn nắm giữ. Binh lính triều đình cắm chốt quanh đảo. Vợ con họ cùng dân chúng đi theo được chia ở lẫn với dân bản địa, lại dong thuyền ra khơi. Các giống lúa mang theo đã gieo trên các thửa ruộng và các nương đồi. Đảo rộng. Đất đai màu mỡ. Cây cối bốn mùa xanh tươi. Dân đảo có một số người phương Bắc, chạy loạn thời Kiệt Trụ nhà Ân nhà Thương đến xin làm ăn, sinh sống trên đảo, lấy vợ lấy chồng người Việt hơn chục đời nay, đã Việt hóa hoàn toàn, chẳng ai nhớ đến gốc tích mình nữa. An Tiêm vui mừng trước những đổi thay, tạo nên không khí an bình, keo sơn gắn bó. Chàng cử viên ngự y vào các bản gần làng xa chữa bệnh cho dân, chọn những người đạo đức, tháo vát, truyền nghề cho họ, hình thành mạng lưới khám bệnh bốc thuốc rộng khắp, rất hiệu quả. Nhiều căn bệnh tồn tại bấy lâu bị đẩy lùi. Rừng nhiều cây thuốc quý. Dân đảo rất biết ơn An Tiêm. Tuy nhiên, viên chúa đảo vẫn ấm ức vì hắn cảm thấy quyền lực bị giảm sút. Một hôm, nhân kiếm được con dê rừng, hắn cho mời An Tiêm và quan khách đến dự tiệc. Trái thường lệ, Thúy Anh rót rượu mời cha nàng trước. Khi cầm chén dành cho quan Lạc hầu, không hiểu sao, nàng bỗng để rơi, làm nó vỡ tan. Cặp mắt Trương Kiệt tóe lửa nhìn con gái. Nàng vẫn bình tĩnh rót rượu, nâng chén mời An Tiêm, trên môi nở nụ cười kín đáo. Chàng mơ hồ hiểu ra có một mưu mô nào đấy nhằm vào mình. Sau tiệc, Trương Kiệt đánh con rất đau, rồi giam trong tư thất, bắt ăn cơm nhạt năm ngày. Bà mẹ thương con gái, cho người lén đưa thức ăn vào. Sau này, An Tiêm mới biết, tên chúa đảo âm mưu ám hại chàng. Chiếc cốc dành riêng cho An Tiêm có tẩm thuốc độc. Tuy vậy, chàng vẫn cùng hắn giao thiệp. Trương Kiệt, tục gọi Quái Kiệt, không phải loại người xấu. Cũng dân chài. Thời thanh niên, một bận cùng gia đình ra khơi đánh cá, bất ngờ đụng phải toán cướp người phương Bắc. Cả nhà bị chúng nhấn chìm dưới biển. May mắn, hắn thoát hiểm. Từ đấy, hắn quyết tâm trả thù. Đến tuổi bốn mươi, chán nghề cướp biển, hắn dẫn đồng bọn đổ bộ lên đảo Xa, tự xưng chúa đảo. Lúc này, dân đảo đã khá đông, phần nhiều thuộc châu Giao Chỉ, Ninh Hải, Cửu Chân, Hoài Hoan… Mấy lần giặc phương Bắc đến cướp đảo. Sẵn mối căm thù, Quái Kiệt tung chiến thuyền đánh trả, tiêu diệt gần hết lũ xâm lăng.
Quan hệ giữa hắn và Lạc hầu An Tiêm ngày càng thân thiện hơn. Nhất là sau khi quan ngự y chữa khỏi bệnh cho vợ hắn. Bà ta ngót tứ tuần. Sau lần sinh Thúy Anh, con gái đầu lòng, mấy lần bà mang thai nhưng hỏng. Thường bị sốt, nóng lạnh thất thường. Khi đẻ non. Khi sẩy thai. Lần này cũng vậy. Biếng ăn. Biếng ngủ. Gầy rộc như quỷ đói. Ngự y tới kê đơn bốc thuốc. Chưa đầy tuần trăng bà đã hồi phục sức khỏe. Thai ổn định. Trương Kiệt mừng lắm. Liền mang lễ vật đến tạ ơn. Thúy Anh cùng đi. Lạ thay, bé Mai Hương liền theo ngay, cho nàng bế, dắt ra vườn chơi. Từ đấy, công việc trên đảo phối hợp nhịp nhàng. Việc phòng thủ ráo riết được tăng cường. Xưởng đúc đao, kiếm, giáo mác, cả nông cụ và chế tạo máy bắn đá, làm cung nỏ hoạt động suốt ngày. Trai tráng khi vào rừng đốn tre về làm chông, làm cung tên, khi tập võ, tập bắn cung nỏ. Các cô gái cũng tham gia rất hào hứng.
Một tối, vị thủy thần lại hiện lên trong giấc ngủ An Tiêm. Nhưng lần này trông hiền lành, vẻ mặt thỏa mãn, khó có thể nghĩ rằng, cách đây dăm tháng, y là tên hung thần quái ác:
- Ta cảm ơn người đã cho ta một mỹ nhân tuyệt vời. Sáng mai, người hãy phái người đến chân cây cổ thụ ngàn năm tuổi tại phía Đông cánh rừng để nhận món quà quý của ta.
Quả nhiên, sáng đó, một con chim cực lớn, màu sắc sặc sỡ, vỗ đôi cánh rộng như cánh buồm vượt trùng dương từ phương Nam bay tới, lượn vòng quanh đảo, dưới ánh nắng ban mai rạng hồng. Hai chân nó quắp một trái cây to tướng. Nó hạ cánh trên ngọn cổ thụ. Chẳng mấy chốc, một trận mưa hạt rào rào rơi xuống. Những viên hạt đen nhánh, vỏ cứng óng ánh. An Tiêm phân phát cho dân đảo. Khi trưởng thành, thì ra là giống cây dây bò, lá xanh to bản.
Một sáng đẹp trời cuối mùa hè. Vừng đông vừa ửng sáng. An Tiêm dắt con ra bãi biển ngắm cảnh. Sóng vỗ tận tít chân trời. Thấp thoáng những con thuyền đánh cá những cánh hải âu lượn tít xa khơi. Làng xóm, núi non, ruộng vườn trên đảo cũng dâng lên một màu xanh tràn trề nhựa sống. Chàng để con mon men chân sóng, nghịch nước nghịch cát. Chợt thấy Thúy Anh từ trong đảo đi ra, Mai Hương reo lên:
- Cô. Lại đây với cháu. Cái hòn sỏi này đẹp lắm, cô ạ.
An Tiêm vui vẻ:
- Cháu nó mến cô lắm. Nhắc tên cô luôn.
- Bẩm thượng quan.
An Tiêm ngắt lời:
- Đừng gọi ta thế. Quan cách lắm.
- Nhưng cha em vẫn gọi thế.
- Đấy là cha em. Em cứ gọi ta là huynh.
- Vâng. Đại huynh.
- Không, là huynh thôi.
Thúy Anh cười:
- Vâng, thưa huynh. Em có tin vui đến thưa với huynh. Cây thần đã bói quả chín. Cha em sai người mang tới biếu huynh. Vỏ nó đen nhanh nhánh. Trông đẹp mắt lắm. Chắc rất ngon.
Hai người đang vui vẻ chuyện trò thì từ phía bắc đảo, những hồi trống báo động vang lên dồn dập. Tức tốc, Thúy Anh bế bé Mai Hương chạy vọt theo An Tiêm. Trương Kiệt đã có mặt. Từ ngoài khơi xa, hàng trăm chiến thuyền của nhà Chu hùng hổ lướt tới. Chúa đảo định cho thuyền mình lao thẳng đối đầu thuyền giặc, An Tiêm ngăn lại:
- Giặc đang hung hăng. Chưa đánh vội.
Chàng điều hai đội thuyền nhẹ thọc ngang sườn đoàn thuyền giặc rồi rút nhanh. Khi chúng vào gần bờ thì hàng nghìn mũi tên bắn xuống như mưa trong tiếng trống, tiếng thanh la vang dội. Giặc la hét inh ỏi. Đứa trúng tên ngã vật trên thuyền. Đứa bị tên hất xuống biển. Mưa tên vẫn rào rào ập tới. Giặc lui, chấn chỉnh đội hình, phản công lần thứ hai. Lại gặp sức kháng cự mãnh liệt của binh thuyền Việt, chúng vội lùi xa. Đợt tấn công thứ ba, tướng giặc thân chinh chỉ huy tiến quân, hò hét đốc chiến. Trên bờ, An Tiêm vẫn theo sát diễn biến trận đánh. Thúy Anh, với chiếc cung bách phát bách trúng, đứng cạnh bảo vệ chủ tướng. Còn cha nàng mang thanh đại đao khổng lồ, chỉ huy toán dũng sĩ, sẵn sàng tấn công bọn đổ bộ lên bờ. Đợi thuyền giặc đến gần, An Tiêm phát lệnh. Tức thì, máy bắn đá cùng nỏ liên châu mở hết công suất. Từng trận mưa đá mưa tên trong đó có vô vàn tên lửa lại ào ào trút xuống đầu giặc. Lần này chúng kinh hoàng thực sự, bởi chưa hề gặp phải thứ vũ khí lợi hại như thế. Nhiều chiến thuyền vỡ toác hay bị thiêu cháy, nhiều cánh buồm cũng cháy đùng đùng, tàn lửa bay tứ tung, nhuộm đỏ cả mặt biển bao la. Nhiều thân giặc gục ngã hoặc bị lửa đốt như ngọn đuốc sống. Không chịu nổi, chúng quay thuyền tháo chạy mặc tên tướng đỏ ngầu mắt quát tháo. Những chiếc thuyền Việt không hiểu từ góc trận nào lao ra, đánh vỗ mặt, rất quyết liệt, khiến giặc càng hoảng loạn. Song cũng có gần trăm tên liều chết đổ bộ được lên bờ. Tức thì lão tướng Quái Kiệt hét to một tiếng như sét, dẫn đầu toán tinh binh ập tới. Lưỡi đao khổng lồ của lão vung đến đâu, đầu giặc rụng tới đó. Nhiều tên kinh hãi vội quẳng giáo, quỳ sụp xuống vái lấy vái để, xin tha mạng. Sau phút huyết chiến, quân Việt tiêu diệt gần hết lũ giặc, đám còn lại bị bắt sống. Chính lúc ấy, một tên thiện xạ của giặc, trước khi quay lui đã bắn lén nhằm vào Quái Kiệt khiến ông bị thương. Tức thì hắn bị mũi tên thần của Thúy Anh bắn gục. Ngư y lập tức tới. May sao, mũi tên trúng phần mềm. Bó thuốc chỉ vài ngày là đỡ. Biển cả trở lại bình yên.
Tin thắng trận được báo về triều đình cũng vào dịp quả thần vào mùa chín rộ. An Tiêm gửi về đất liền một thuyền lớn chất đầy quả cùng các chiến lợi phẩm. Hùng Vương rất vui, hạ chiếu khao quân. Những quả dưa thần được bổ ra, lòng quả đỏ tươi, ngọt lịm. Nhà vua đặt tên là quả dưa đỏ An Tiêm, phân phát cho dân chúng trong nước, lấy hạt trồng vào mùa sau. Vua Hùng cũng sắc phong Trương Kiệt chức Lạc tướng.
Hai năm sau, An Tiêm cưới nàng Trương Thúy Anh. Dân đảo hân hoan, mở hội ba ngày. Người trên đảo ngày càng đông. Quan Lạc hầu, Lạc tướng cho di dân sang các đảo nhỏ xung quanh, hình thành một quần đảo trù phú, bền vững của nước Văn Lang. An Tiêm còn lập đền thờ nàng Quế và nàng Bưởi, cô gái làng chài, quên thân để cứu bao người trong cơn sóng thần bão tố năm xưa.
An Tiêm qua đời ở tuổi bảy mươi chín. Dân đảo thương tiếc lập đền thờ, quanh năm hương khói. Còn Trương Anh Kiệt cũng mất đột ngột sau cuộc duyệt võ, hưởng thọ bảy mươi lăm tuổi. Con cháu họ đời đời được thế tập chức tước của cha ông. Từ đó, hàng nghìn năm sau, nhiều lần, quân Đông Ngô, Đông Hán, quân Tống, quân Minh huy động những binh thuyền lớn ra cướp đảo nhưng đều bị quân Việt cùng dân chúng trên đảo đập tan. Đảo An Tiêm, quần đảo thân yêu của đất nước Văn Lang, sau này là Đại Việt, vẫn muôn đời đứng vững giữa Biển Đông bát ngát.