Đánh thức văn hóa bản địa

Lê Thư 23/10/2017 10:19

Với chất liệu acrylic, màu tự nhiên và sáp ong, những hoa văn từ cây cỏ tự nhiên tươi tắn hiện lên, làm trẻ lại mảnh vải lanh truyền thống. Bước sang mùa thứ tư, lộ trình trải nghiệm của các nghệ sĩ trẻ đương đại cùng sống và vẽ với trẻ em vùng cao đem đến tín hiệu vui cho sự phát triển văn hóa bản địa của cộng đồng dân tộc.

Nét mới sáng tạo

Dự án Ngôi sao miền núi ra đời năm 2014 bởi giám tuyển, nghiên cứu sinh Đài Loan Kuo Yen Wei (Quách Ngạn Vỹ), hợp tác với Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Dự án nhằm tiến tới xã hội hóa đào tạo mỹ thuật cho công chúng nói chung, trẻ em miền núi nói riêng; đồng thời qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho nghệ sĩ đương đại trải nghiệm thực tế, đóng góp trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.

Với mục tiêu tuyên truyền, giúp đỡ bảo tồn văn hóa truyền thống bản địa, hoạt động của dự án Ngôi sao miền núi năm 2017 còn tiến thêm một bước. Lộ trình trải nghiệm của các nghệ sĩ khi cùng sống, cùng vẽ với trẻ em vùng cao từ Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì (Hà Giang) tới huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có thêm nét mới. Bằng việc triển khai vẽ trên vải lanh dùng chất liệu màu nước, acrylic, màu tự nhiên, sáp ong, 35 tác phẩm của các em học sinh đã được lựa chọn, một phần cho triển lãm “Sơn lục” đang diễn ra tại Hà Nội, một phần chuyển sang mỹ thuật ứng dụng do Huulala thiết kế thành quần áo, phụ kiện thời trang.

Đồng hành với dự án từ những ngày đầu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Trần Vũ Hoàng cho biết, ban đầu tiếp cận, thậm chí có em lần đầu biết thế nào là màu vẽ. Qua quá trình thực hành, mỹ thuật đã không còn xa lạ, nhiều em tự tin hơn khi tiếp xúc với các vật phẩm hội họa. “Có em đi học phải cõng trên lưng một em bé hơn, có em trong lớp một tay cầm cọ, tay kia giữ em... nhưng rất say mê. Được hướng dẫn, các em chăm chú và để ý, quan sát cảnh vật xung quanh mình hơn”.

Qua lăng kính của trẻ thơ miền núi, hình ảnh cây cỏ, chim muông đi vào các bức vẽ một cách tự nhiên. Tinh thần ấy lại được truyền tải trên chất vải lanh truyền thống tạo nên đồng điệu. Sáng tạo nghệ thuật và những giá trị văn hóa được tích tụ như một bản năng. Mỗi tạo hình ẩn chứa câu chuyện đời sống. Họa tiết hoa văn cách điệu trên trang phục thổ cẩm thể hiện tư duy, cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Màu sắc tự nhiên cùng những rung động bản năng làm cho bức tranh không theo bất cứ mô típ nào mà vẫn mang đặc trưng văn hóa, nói lên được suy nghĩ của người miền núi.

Sản phẩm thiết kế từ tranh vẽ trên vải lanh của học sinh tiểu học ở Quản Bạ, Hà Giang Ảnh: Thái Minh
Sản phẩm thiết kế từ tranh vẽ trên vải lanh của học sinh tiểu học ở Quản Bạ, Hà Giang
Ảnh: Thái Minh

Theo họa sĩ Nguyễn Trường Linh, chính sự hòa trộn văn hóa lâu đời với cái nhìn tươi mới trong đôi mắt trẻ em làm cho mạch sống núi rừng không bị ngắt quãng mà được tiếp nối sáng tạo. Nhưng trong mỗi nét vẽ, bên cạnh sự hồn nhiên, trong sáng cũng toát lên hình ảnh về cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn. “Chúng tôi thấy trong ấy cả những ước mơ đại ngàn. Chẳng hạn, vùng núi có nhiều cây cối, chim muông, nói đến cá thì có rất ít, ở suối thôi, nhưng tranh của các em vẽ rất nhiều cá… Có thể điều đó tiềm ẩn khao khát, thông điệp hoặc một tiềm thức đi sâu vào người miền núi. Câu chuyện ấy tiếp tục được kết nối bằng các nhà thiết kế thời trang, tạo nên những sản phẩm ứng dụng là tiền đề cho sự phát triển của đời sống cộng đồng”.

Chia sẻ với cộng đồng

Ý tưởng của dự án Ngôi sao miền núi nhằm tạo kết nối mỹ thuật cho các em nhỏ người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, nhưng qua thời gian trở thành thông điệp chia sẻ giá trị với cộng đồng. Tham gia dự án, họa sĩ được hưởng lợi ở trải nghiệm văn hóa với đồng bào dân tộc để làm giàu ý tưởng sáng tác và thể hiện trách nhiệm xã hội. Người sáng lập dự án Kuo Yen Wei cho biết, việc sử dụng vải lanh truyền thống để vẽ các bức họa là bước một của ý tưởng giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Xây dựng sản phẩm thời trang nhằm tạo hướng phát triển bền vững, để các em nhận ra vốn tài sản lớn nhất là văn hóa dân tộc.

Đồng thời, hướng các bạn trẻ tiếp xúc với mỹ thuật, sáng tạo nghệ thuật để phát huy giá trị kinh tế thông qua sản phẩm văn hóa truyền thống là cách làm đem lại sự phát triển bền vững. Liên kết với các nhà thiết kế mở ra triển vọng mới là hỗ trợ người dân vùng cao khởi nghiệp dựa vào văn hóa truyền thống. “Dự án nghiêng về tính chất chia sẻ với cộng đồng, để các sản phẩm sáng tạo được đưa vào sản xuất một cách rộng rãi. Sau đấy, sẽ tác động ngược lại để hỗ trợ đồng bào vùng cao vượt qua đời sống khó khăn”, họa sĩ Nguyễn Trường Linh nói.

Nhà thiết kế Nguyễn Thị Hữu chia sẻ, Huulala ứng dụng các bức tranh trên vải lanh của các em là góp phần kể câu chuyện vùng cao tới mọi người. Từ đó, chính người bản địa hiểu được giá trị sức lao động của mình, không còn tự ti nghĩ rằng cứ phải xuống thành phố, về xuôi mới là phát triển. Một khi người dân có khả năng tự chủ hơn, hoàn toàn vững vàng trên con đường hướng ra thế giới, lúc ấy, giá trị văn hóa vùng dân tộc sẽ không lo phai nhạt hay mất đi. “Nhiều người nói chúng tôi đang cho các em cần câu, nhưng thực tế họ đã có sẵn cần câu của mình, có điều chưa biết vận dụng. Từ đó, chúng tôi hướng dẫn họ cách hội nhập với thị trường mà không nhất thiết phải thoát ly vùng đất của mình”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đánh thức văn hóa bản địa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO