Đánh thức truyền thống

- Thứ Ba, 20/07/2021, 05:45 - Chia sẻ
Với sự đa dạng về địa hình tự nhiên, văn hóa, phong tục tập quán và chất liệu nghệ thuật qua các thời kỳ, bản sắc Việt đã, đang và sẽ tiếp tục là nguồn tài sản quý báu để mỗi nhà thiết kế tự hào, phát huy. Điều này mang tới kỳ vọng ngày càng nhiều sản phẩm thiết kế mang tinh thần dân tộc, có tính ứng dụng cao trong đời sống hiện đại.
Đưa truyền thống vào thiết kế đương đại
Nguồn: ITN

Tôn trọng lịch sử

Sở hữu thương hiệu thời trang bền vững, hợp tác với cộng đồng địa phương đa văn hóa ở các vùng miền khác nhau, trong đó có cộng đồng dân tộc thiểu số và cộng đồng làng nghề, nhà thiết kế Vũ Thảo chia sẻ: Khi nghe từ “truyền thống”, chúng ta thường nghĩ đến những thứ thuộc về quá khứ - của một thời gian và không gian cố định nào đó, nhưng làm như vậy dễ dẫn đến nguy cơ bỏ qua tính liên tục, thích ứng và biến đổi vốn có của nó. Thực tế, truyền thống luôn dịch chuyển bởi các yếu tố như con người, xã hội và tự nhiên. Do vậy, chúng ta cần nhìn bằng lăng kính mới, thấy rõ được vai trò của giá trị xưa trong xã hội đương đại. Đó có thể là việc sử dụng nhiều kỹ thuật, phương pháp chế tác lâu đời; sử dụng nguyên liệu bản địa; sử dụng lao động như nghệ nhân, người thực hành chế tác, tạo thu nhập cho chính lực lượng địa phương...

Gần đây, nhiều nhà thiết kế trong các lĩnh vực đã quan tâm kế thừa và phát huy kinh nghiệm, sáng tạo từ xa xưa, tạo ra nét riêng cho tác phẩm của mình. Nhưng các hoạt động như vậy vẫn còn khá hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Theo nhà thiết kế Vũ Thảo, lưu giữ, phát huy truyền thống trong lĩnh vực thiết kế không thể được xem đơn giản là sự nhại lại, “cắt và dán”, mà từ các yếu tố đã có, nhà thiết kế trình bày trong bối cảnh phù hợp với đương đại. Đưa giá trị quá khứ tới cuộc sống hiện nay phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc với tinh thần tôn trọng lịch sử, văn hóa nhưng vẫn phải mạnh dạn đổi mới, bảo đảm truyền thống được tiếp nối.

Khi ngành thiết kế phát triển, có rất nhiều lý do để mong đợi hệ sinh thái các dự án nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc thật sự đậm đà bản sắc, nhưng vẫn rất phong phú về cách tiếp cận và kỹ thuật khai phá. Dù vậy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft) Lê Bá Ngọc cho rằng: Lấy cảm hứng từ truyền thống là câu chuyện dài kỳ. Truyền thống đang mai một, nhiều giá trị thế hệ cha ông sáng tạo đến nay không còn. Nhưng tìm về quá khứ, ta vẫn tìm ra được nhiều câu trả lời cho vấn đề của hiện tại. Chẳng hạn, nhiều người đang theo trường phái tối giản của một số quốc gia, nhưng nếu nhìn lại, ở nước ta ngàn năm đã có những điều như vậy. Do đó, cần hiểu để đưa các giá trị xưa vào đời sống hiện nay. Việc này không chỉ tạo ra sản phẩm, mà còn làm cho mọi người hiểu về văn hóa dân tộc.

Cuộc thi Designed by Vietnam do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Ashui.com và nhiều đối tác chuyên môn tổ chức. Ban tổ chức nhận tác phẩm đến hết ngày 31.8 qua email designedbyvietnam@gmail.com. Hội đồng giám khảo sẽ chọn khoảng 20 mẫu thiết kế để hoàn thiện cho vòng chung kết diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - Vietnam Design Week 2021, dự kiến tổ chức tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh từ ngày 15 - 21.11.

Chất Việt trong thiết kế

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình thiết kế sáng tạo những sản phẩm, đồ dùng hàng ngày mang bản sắc, tinh thần Việt, cuộc thi “Designed by Vietnam” năm 2021 vừa được phát động. Với chủ đề “Đánh thức truyền thống” (Awakening Traditions), cuộc thi tập trung vào 5 lĩnh vực: Thiết kế truyền thông (Communication design), Thiết kế đồ nội thất (Living design), Thiết kế vật dụng trang trí (Decor & Object design), Thiết kế trang phục (Clothing design), Thiết kế công cộng (Public design).

Nói về các sản phẩm Thiết kế vật dụng trang trí, ông Lê Bá Ngọc nhận định: Từ xưa, cha ông ta đã sử dụng vật liệu thân thiện xung quanh mình như mật mía, bột giấy, nước vôi… để tạo nên các vật dụng trang trí cung đình, công trình kiến trúc, không gian ở mà đến nay vẫn còn giá trị. Trong suốt chặng đường dài phát triển của dân tộc, đã có biết bao kỹ thuật truyền thống, vật dụng gần gũi gắn bó với mỗi thế hệ, với mỗi cộng đồng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, và cùng với đó là những gửi gắm, triết lý về cuộc sống. Chúng tôi muốn các nhà thiết kế hãy lấy cảm hứng từ truyền thống để sáng tạo các vật dụng trang trí cho không gian sống và sinh hoạt của chúng ta hôm nay.

Trong khi đó, theo Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn - người hướng dẫn lĩnh vực Thiết kế công cộng của cuộc thi: Không gian công cộng truyền thống ở Việt Nam thường là những không gian kiến trúc - cảnh quan gắn bó hết sức hữu cơ với chức năng và hành vi con người mỗi nơi, từ tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, đặc sản, làm việc và sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của một cộng đồng từ miền xuôi lên miền ngược. Hiện nay, các không gian này đã có nhiều thay đổi về cả hình thái và công năng, đặc biệt ở các đô thị lớn và nhỏ, mở rộng hơn nhiều so với quá khứ: quảng trường và nhà hát, công viên và vườn hoa, trung tâm thương mại hay nhà văn hóa... Tuy nhiên, thực tế đang có sự đứt quãng trong thiết kế quy hoạch không gian công cộng, dẫn tới khoảng cách của con người với các không gian này. Thiết kế có thể giải quyết được phần nào đó, tạo sự tương tác giữa công chúng với không gian công cộng...

Mỗi thế hệ sẽ có cách tiếp nhận, nuôi dưỡng truyền thống khác nhau, và cả bồi đắp những địa tầng giá trị mới cho truyền thống. Khi kết nối với quá khứ, được truyền cảm từ các câu chuyện, tìm kiếm, khai thác và vận dụng những yếu tố, đặc điểm của văn hóa - lịch sử - ngành nghề cổ hay vật liệu địa phương... cộng với quan điểm sáng tạo độc đáo, các nhà thiết kế sẽ cho ra đời những sản phẩm sáng tạo mới mang đậm chất Việt.

Lê Thủy