Đánh thức tiềm năng cây dược liệu
Tìm giống cây thuốc trên núi cao, trong rừng sâu, ươm trồng tạo ra giống cây thuốc trồng trong vườn nhà, từng bước mở rộng quy mô, cung cấp nguyên liệu cho thị trường dược liệu... là cách nhiều bà con dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo.
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Sau khi tốt nghiệp ngành y, anh Hoàng Văn Luân, dân tộc Tày ở thôn Phiêng Bang, xã Văn Lang, huyện Na Rì, về làm việc tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đồng lương ít ỏi, cuộc sống nhiều khó khăn, trăn trở nhiều năm, cũng như trong quá trình làm việc, anh Luân nhận thấy các loại thuốc từ đông y rất được ưa chuộng, bèn nảy ra ý tưởng về quê đầu tư trồng dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở khám, chữa bệnh đông y.

Nguồn: dulichbavi.com.vn
Năm 2012, anh Luân trở về Na Rì thực hiện ý tưởng của mình. Ban đầu, anh trồng cây cà gai leo và giảo cổ lam, chủ yếu bán sản phẩm thô qua sơ chế. Sau vài năm, nhận thấy cây dược liệu rất phù hợp với tiềm năng đất đai, khí hậu địa phương, cho năng suất, chất lượng cao, nếu phát triển với diện tích lớn và sản xuất ra các sản phẩm có giá trị sẽ là cơ hội để nâng cao thu nhập và làm giàu, năm 2016, anh Luân quyết định tập hợp các hộ dân chung niềm đam mê thành lập Hợp tác xã Bảo Châu với 7 thành viên góp vốn đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu.
Giờ đây, Hợp tác xã Bảo Châu liên kết với hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Bà con nhìn thấy tiềm năng cũng tích cực tham gia, mạnh dạn trồng dược liệu trên đất ruộng thay thế ngô, lúa... Để tạo nguồn thu nhập cao hơn, anh Luân còn nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ cây dược liệu, tạo thành quy trình khép kín. Năm 2018, Hợp tác xã Bảo Châu đăng ký tham gia xếp hạng Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), các sản phẩm trên đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, doanh số bán hàng ngày càng tăng.
Anh Vàng Thìn Nghì, dân tộc Bố Y, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Hà Giang cũng gắn bó với việc trồng cây dược liệu từ nhiều năm nay. Cơ duyên bắt đầu từ năm 2000, khi Viện Dược liệu đưa giống cây trồng lên Trung tâm Giống cây trồng Phó Bảng, Hà Giang, bấy giờ anh Nghì là nhân viên bảo vệ của Trung tâm. Nhờ âm thầm học hỏi các kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây dược liệu từ trước, anh Nghì xin nghỉ việc để "khởi nghiệp" bằng cách mang giống cây thuốc về trồng trong vườn nhà.
Những loại cây thuốc như thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, sâm đá, xuyên khung... vốn chẳng xa lạ với người dân nơi Cổng trời Quản Bạ. Nhưng trồng cây thuốc để làm kinh tế không phải dễ dàng. Bà con nơi đây cũng chưa từng nghĩ đến việc trồng và làm giàu từ cây thuốc. Điều đó không lay chuyển quyết tâm và khát vọng làm giàu của Vàng Thìn Nghì. Ban đầu, anh vay tiền từ người quen, bạn bè để đầu tư trồng thử nghiệm trên 3ha đất vườn nhà, chủ yếu trồng đương quy Nhật và đan sâm - hai loại cây thuốc dễ tiêu thụ trên thị trường. Dần dần, thu nhập từ vườn thuốc ổn định, nhận thấy triển vọng và nhu cầu thị trường về cây dược liệu trong nước còn rất lớn, Vàng Thìn Nghì quyết định đầu tư thuê thêm nhân công, mở rộng diện tích trồng lên đến trên 15ha...
Những năm qua, việc chuyên canh cây dược liệu đã giúp người dân tại nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn các loại cây thuốc quý, cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất dược phẩm, mà còn giúp xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.
Hướng phát triển ổn định, lâu dài
PGS.TS. Trần Văn Ơn, nguyên Trưởng bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội, cha đẻ của chương trình OCOP, nhận định, Việt Nam có hai lợi thế cực kỳ lớn là số lượng cây thuốc trong tự nhiên và tri thức sử dụng cây thuốc của các dân tộc. Dược liệu có giá trị kinh tế lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào. Hiện nay, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam rất lớn.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Song thực tế, nguồn dược liệu tự cung cấp trong nước chỉ chiếm khoảng 20 - 25%, còn lại là nhập khẩu và nhập lậu từ Trung Quốc. Theo PGS.TS. Trần Văn Ơn, chính vì vậy, mở rộng mô hình trồng cây dược liệu là cách mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế - xã hội ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc.
Tuy nhiên, trồng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa là một nghề khá mới, nhất là ở các vùng có điều kiện thuận lợi cho trồng cây dược liệu, đa phần thuộc vùng dân tộc thiểu số, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, chưa biết tận dụng tri thức bản địa để phát triển kinh tế từ cây dược liệu. Chưa kể, nguồn lực đầu tư cho phát triển, nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa tận dụng được tiềm năng, sản xuất cây dược liệu theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu nguồn giống tốt, thiếu công nghệ trồng trọt và phân bón thích hợp với từng loại cây thuốc, thiếu công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch cũng như nguồn tiêu thụ ổn định...
Các chuyên gia nhận định, về lâu dài, mô hình phát triển cây dược liệu cần được đẩy mạnh hơn nữa, thông qua các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó, nhân rộng các mô hình theo chuỗi giá trị, gắn với vai trò của doanh nghiệp đầu tàu, liên kết với các tổ chức kinh tế như các hợp tác xã và công ty cổ phần tại cộng đồng. Trước mắt ưu tiên các địa phương, khu vực có thế mạnh về phát triển dược liệu và du lịch như: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng… Hướng đi này vừa giúp khai mở "kho vàng" dược liệu dồi dào, vừa góp phần phát triển sinh kế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.