Đánh thức sự quan tâm với truyện tranh Đức
Nếu cách đây ít năm, truyện tranh Đức hầu như không được biết đến ở nước nào thì hiện nay có sự thay đổi trên phạm vi quốc tế. Do sự đa dạng và độc đáo trong ngôn ngữ chuyện kể và ngôn ngữ hình họa, truyện tranh Đức ngày càng được quan tâm tiếp nhận và được đánh giá cao.
![]() |
Vào khoảng thế kỷ XIX, các nghệ sỹ Đức, Pháp đã khám phá ra truyện tranh như một công cụ phác họa sự phát triển xã hội với những bức tranh mang phong cách châm biếm, như việc xây dựng các nhân vật bằng tranh: một kẻ thường dân luôn cáu giận, gã cảnh sát ngu ngốc hay một thương gia keo kiệt... Đến thế kỷ XX, các nghệ sỹ Đức không còn quan tâm đến truyện tranh nữa, do sự xuất hiện của các hình ảnh như vịt Donald, chuột Mickey... Cũng từ đó, họ cho rằng truyện tranh chỉ dành cho trẻ em.
Cho đến những năm 1990, một thế hệ trẻ nghệ sỹ Đức bắt đầu có những khám phá thú vị về truyện tranh và từ đó, truyện tranh Đức xuất hiện ở Berlin hay Hamburg như một loại hình nghệ thuật độc lập và được nghiên cứu nghiêm túc. Giới nghiên cứu truyện tranh Đức cho rằng, một trong những lý do làm hồi sinh truyện tranh Đức chính là sự thống nhất nước Đức. Các họa sỹ và nghệ sỹ đến từ CHDC Đức cũ chính là những người đã tạo ra cú hích thẩm mỹ mới bằng cách tái sử dụng các phương thức tạo hình và kỹ thuật in ấn truyền thống, cũng như sử dụng các hình thức nghệ thuật và kỹ thuật đương đại như nghệ thuật đường phố hoặc hình họa vi tính... Thời kỳ này, nghệ thuật và truyền thông bùng nổ trước sự xuất hiện của internet và toàn cầu hóa góp thêm một bước nữa cho giao lưu trong lĩnh vực truyện tranh. Truyện tranh Đức với hình thức đa dạng đã kịp thời phản ánh cụ thể sự phát triển này. Các nghệ sỹ bắt đầu viết và vẽ về cuộc sống đời thường hay phiêu lưu đến những miền đất xa xôi để kể về những chuyến đi mạo hiểm. Những đại diện tiên phong của truyện tranh Đức như Anke Feuchtenberger, Henning Wagenbreth và Martin tom Dieck đã thúc đẩy cả một thế hệ họa sỹ muốn tò mò thử nghiệm các khả năng kể chuyện bằng tranh.
Từ tháng 5.2010, triển lãm bản sao các tác phẩm truyện tranh gốc do phân viện Goethe tổ chức đã diễn ra vòng quanh thế giới. Triển lãm đến Việt Nam từ ngày 8.5 - 2.6 với tên gọi Truyện tranh, Manga & Co. - Văn hóa truyện tranh Đức mới, giới thiệu các tác phẩm đa dạng, đầy màu sắc của 13 nghệ sỹ, thể hiện những dòng chảy quan trọng nhất của văn hóa truyện tranh Đức từ trước đến nay. Từ những bức vẽ chi tiết và mang tính khoa học của Jens Harder trong Alpha kể về câu chuyện thời gian từ vụ nổ big bang cho đến thời kỳ vượn người đầu tiên, hoặc những câu chuyện tiểu thuyết đồ họa được vẽ như trong phim của Reinhard Kaiser hoặc truyện manga dành cho các bé gái của Christina Plaka… tất cả đều thể hiện sự đa dạng và độc đáo của ngôn ngữ chuyện kể và ngôn ngữ hình họa.
Triển lãm gồm 55 truyện tranh, giới thiệu 2 thế hệ họa sỹ đã tạo nên văn hóa truyện tranh Đức: thế hệ họa sỹ tiên phong góp phần tạo ra một nền văn hóa truyện tranh mới của Đức và thế hệ họa sỹ trẻ với những tác phẩm đóng góp mới mẻ về thẩm mỹ và cốt truyện. Các tác phẩm khác nhau về kỹ thuật, phong cách kể chuyện và hình thức xuất bản: tranh minh họa cho các tác phẩm tự truyện hay siêu thực, lịch sự hay huyễn tưởng; phóng sự truyện tranh hay truyện tranh chuyển thể từ văn học được vẽ trên màn vi tính hoặc trên giấy, bằng chì, mực hoặc than. Tuy nhiên, tất cả các họa sỹ đều có điểm chung, đó là nỗ lực làm mới khả năng ngôn ngữ chuyện kể bằng hình ảnh, nhằm thoát khỏi khuôn mẫu của truyện tranh và gia tăng khả năng biểu đạt của thể loại dựa trên đồ họa vi tính, hội họa và minh họa. Những tác phẩm của họ có thể được gọi bằng những cái tên như comic, truyện kể bằng tranh hay tiểu thuyết đồ họa.
Giám đốc Viện Geothe Hà Nội Almuth Meyer-Zollitsch nhận xét: “khai thác các mảng đề tài khác nhau với những phong cách, kỹ thuật rất khác nhau, các tác giả gặp nhau ở mong muốn thử nghiệm các hình thức mới, nhằm mở rộng ranh giới của loại hình, tiếp cận các hình thức biểu đạt của đồ họa, hội họa hay minh họa”. Không chỉ vậy, “thông qua hệ thống đề tài phong phú mà các họa sỹ thể hiện, tác phẩm của họ đã góp phần đánh thức mối quan tâm của công chúng tới các vấn đề nổi bật của đời sống đương đại. Đó cũng chính là lý do khiến truyện tranh Đức ngày càng được quan tâm tiếp nhận và đánh giá cao”.