Đánh thức chèo Chải Hê

Nguyễn Hà An 17/08/2009 00:00

Chèo được chia làm bốn loại chính: chèo sân đình, chèo cải lương, chèo Chải Hê và chèo hiện đại. Tuy nhiên, chèo Chải Hê có phần lu mờ và đang đứng trước nguy cơ thất truyền...

04-danh-thuc-22909-300.jpg

Về làng Lũng Giang (hay còn gọi là làng Lim) thuộc thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh, chúng tôi được nghe các cụ cao niên trong làng kể về nguồn gốc của chèo Chải Hê, loại hình nghệ thuật dân gian cũng nổi tiếng và phát triển không kém gì quan họ những năm đầu thế kỷ XX. Theo lời cụ Tự, 82 tuổi, chèo Chải Hê còn gọi là quan họ Hiếu. Đây là hình thức sinh hoạt bắt nguồn từ tục kết chạ giữa hai làng Lũng Giang (huyện Tiên Du) và làng Tam Sơn (huyện Tiên Sơn). Dưới thời vua Lê Cảnh Hưng (1730-1786), dân làng Lũng Giang lên rừng kéo gỗ về dựng đình nhưng do đi muộn, khi kéo bè gỗ qua sông Tiêu Tương, thì sông cạn nước, dân làng Tam Sơn ra giúp kéo gỗ về xây đình. Từ đó mỗi dịp hội hè, hiếu lễ hai làng thường qua lại hát những câu hát tri ân như một lời nguyền gắn bó keo sơn.

Chèo Chải Hê bao gồm hầu hết các giọng chèo, nhiều làn điệu và mang tính sông nước lại có lối hát xướng xô bằng nhiều hình thức khác nhau trong quá trình biểu diễn nên rất gần với cư dân vùng đồng bằng. Hơn nữa, những tích chuyện trong chèo Chải Hê kể về 24 tấm gương hiếu thảo của người xưa nên mang tính giáo dục cao. Ông Nguyễn Năng Địch, vị tráng niên biết nhiều điệu múa, câu chèo nhất làng Lũng Giang cho biết: “Người được chọn vào phường hát đều phải là những người có đạo đức tốt, con nhà gia giáo và đều chưa lập gia đình”.

Không giống với các chiếu chèo ở đồng bằng Bắc bộ, biên chế của một phường chèo Chải Hê thường có 20 người. Khi hát 4 người nhà cái ngồi phía trên, 6 người nhà con hát diễn phía dưới, tất cả đều là nam giới. Mỗi người cầm một chiếc gậy dài 1,2m, đằng sau có 10 liền chị làng bên đứng quạt vừa tạo gió mát vừa cho đêm diễn thêm phần uyển chuyển, nhịp nhàng. Điều thú vị là ban đầu chèo Chải Hê chỉ được diễn xướng trong dịp lễ hiếu, về sau nhu cầu giải trí giao lưu văn nghệ cao có thêm bài hát  chèo thuyền và điệu huê tình sinh động, tươi tắn hơn.

Chèo Chải Hê từng phát triển mạnh vào thập niên 1930. Cố Gs Nguyễn Hữu Thu là người dày công nghiên cứu và từng đưa ra nhận xét về chèo Chải Hê như sau: “Về phương diện nghệ thuật, chèo Chải Hê đã kết tinh được những điệu hát khỏe khoắn, cùng những bài hát lao động, chèo thuyền, những câu hát huê tình đậm đà, duyên dáng. Về vũ đạo, có lẽ đây là một trong những nguồn vũ đạo của người Việt cổ. Ngoài ra, nó còn là một nguồn tài liệu về dân tộc, sử học, xã hội học, tôn giáo”…

Năm 2006, Viện âm nhạc Việt Nam đã về làng Lũng Giang gặp một số nghệ nhân còn sót lại của làng chèo Chải Hê, để phục hồi môn nghệ thuật độc đáo này. Sau một thời gian tìm hiểu, Viện đã tập hợp những nghệ nhân còn hát được chèo Chải Hê để thu âm những trích đoạn chèo mà các cụ còn nhớ. Ngay sau đó, trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh kết hợp cùng Viện âm nhạc Việt Nam và nghệ nhân Nguyễn Năng Địch, phục dựng một số trích đoạn chèo và đem tham dự Liên hoan âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc học sinh, sinh viên các trường văn hoá nghệ thuật toàn quốc năm 2006 và đã đoạt Huy chương Vàng. 

Đó là tín hiệu vui cho thấy sự trở lại có quy mô và bài bản của chèo Chải Hê. Tuy nhiên, theo nghệ sỹ Nguyễn Trọng Tĩnh, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh: “Một số trích đoạn khi tham dự Liên hoan mới chỉ là “đánh thức” chèo Chải Hê. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này cần phải có cả một quá trình, cùng với ý thức của thế hệ trẻ”. Được biết, chèo Chải Hê sẽ từng bước được đưa vào chương trình giảng dạy đối với các lớp năng khiếu nghệ thuật âm nhạc tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để gìn giữ và thể hiện các trò diễn của chèo Chải Hê.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đánh thức chèo Chải Hê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO