Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy điều hành Hội thảo.
Tham dự còn có hơn 100 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia.
Công ước CITES là thỏa thuận quốc tế với 184 thành viên gồm các chính phủ, nhà nước và các khu vực kinh tế, trong đó có Việt Nam, nhằm bảo đảm việc thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã không đe dọa tới sự tồn vong của các loài trong tự nhiên.
Việc ban hành chính sách, pháp luật thực thi Công ước CITES về cơ bản đã nội luật hóa tương đối đầy đủ các quy định của Công ước, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho việc thực thi từ chế độ quản lý nuôi sinh sản, buôn bán, vận chuyển động, thực vật nguy cấp quý hiếm đến xử lý vi phạm và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều khoản của Công ước. Hiện Việt Nam được đánh là quốc gia có khung hình phạt cao nhất cho hành vi vi phạm pháp luật đối với động, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước CITES trong các nước Đông Nam Á.
Song thực tế cũng cho thấy, một số quy định còn chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm. Một số văn bản quy định còn chưa cụ thể gây khó khăn cho việc thực hiện, như tại điểm đ, khoản 1 Điều 244 Bộ Luật Hình sự. Bên cạnh đó, vẫn còn sự chồng lấn về dấu hiệu định lượng động vật hoang dã giữa pháp luật xử phạt vi phạm hành chính và pháp luật hình sự; chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm… Những bất cập này cần được điều chỉnh trong thời gian tới.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sau khi thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này đã kiến nghị sửa đổi các Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sửa đổi các quy định trong các văn bản dưới luật, tránh chồng chéo cũng như phân rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực thi Công ước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về thực thi Công ước CITES; thảo luận về công tác cứu hộ, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã cũng như thực thi pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã...
Một số ý kiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cần xem xét, đánh giá những bất cập trong thực hiện quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể về quy trình kiểm tra, thực hiện thu hồi giấy phép, từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp vi phạm (doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu hàng hóa thuộc danh mục CITES nhưng không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, quá hạn, không hoàn trả giấy phép cho CITES Việt Nam).
Để bảo đảm công tác quản lý động, thực vật hoang dã, quý, hiếm theo Công ước CITES, các chuyên gia cho rằng: Cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, thực thi CITES, gồm các quy định liên quan đến cấp mã cơ sở, quản lý cơ sở nuôi trồng các loài động thực vật hoang dã. Đồng thời, cần quản lý, giám sát chặt chẽ việc cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng để các đối tượng buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm lợi dụng, hợp thức hóa.
Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn và nhận thức của các cơ quan cơ quan thực thi pháp luật về tính chất đặc thù, các thủ đoạn của tội phạm về buôn bán động, thực vật hoang dã; đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân nhằm phát hiện, tố giác, ngăn chặn hành vi tiêu thụ động thực vật hoang dã bất hợp pháp.