Đánh giá tác động môi trường vẫn còn mang tính hình thức

Nhật Anh 18/08/2012 08:42

Đánh giá tác động môi trường là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án, hoạt động phát triển. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động môi trường ở nước ta chưa thực sự được chú trọng, vẫn còn mang tính hình thức, làm lấy lệ… dẫn đến những hệ quả và hệ lụy vô cùng lớn...

Quy định đã có…

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ quan trọng để bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển bền vững. ĐTM là một chế định lớn trong Luật BVMT, nó được đặt ra để các chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý trong lĩnh vực BVMT, xem xét hành vi của các chủ thể nhằm ngăn chặn, kiểm soát những tác động xấu tới môi trường. Những năm 80, Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm ĐTM, tới năm 1993, khi có Luật BVMT thì ĐTM chính thức có chế định; đến năm 2005, khi Luật BVMT được sửa đổi, chế định này được thiết kế lại và quy định khá cụ thể, chi tiết. Điều đáng ghi nhận, Việt Nam là một trong số không nhiều các quốc gia Đông Nam Á có đưa ĐTM vào Luật BVMT.

Theo Luật BVMT 2005, có 6 loại chiến lược, quy hoạch và kế hoạch cần lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là quy hoạch phát triển KT- XH cấp quốc gia; phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước; phát triển KT- XH cấp tỉnh, cấp vùng; quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng; quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông quy mô liên tỉnh. Bên cạnh đó, các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường đã được cụ thể hóa trong Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9.8.2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT; Thông tư hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường... Và mới đây nhất, tháng 4.2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2011/NĐ-CP quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5.6.2011 và thay thế một số quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và một số quy định của Nghị định số 21/2008/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT...

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc: không thể phủ nhận những ích lợi rõ ràng của việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thời gian qua đối với công tác BVMT. Nhận thức và việc tuân thủ thực hiện lập báo cáo ĐMC, ĐTM đối với các dự án đầu tư của các doanh nghiệp đã được thay đổi cơ bản, số lượng các doanh nghiệp, chủ dự án không lập và trình thẩm định báo cáo ĐTM khi lập hồ sơ dự án đầu tư giảm đáng kể. Theo thống kê  của Bộ TN - MT, hàng năm Bộ nhận được khoảng 100 - 200 hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM. Còn đối với một tỉnh trọng điểm về phát triển công nghiệp như Bình Dương thì có tới 90% dự án có hoạt động sản xuất công nghiệp lập và được phê duyệt báo cáo ĐTM, tất cả các khu công nghiệp đều có báo cáo ĐTM được phê duyệt trước khi triển khai, 100% doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có ngành nghề ô nhiễm đều lập báo cáo ĐTM. Ngoài ra, các quy định về ĐMC, ĐTM đã được lồng ghép vào các bộ luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch... Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đã ban hành các quy định về ĐMC, ĐTM đối với lĩnh vực mình quản lý.

…nhưng còn thực thi

Như trên đã nói, theo Luật BVMT 2005, có 6 loại chiến lược, quy hoạch và kế hoạch cần lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn những bản báo cáo này đều mang tính hình thức, làm cho có, chứ không phải là những đánh giá từ hiện trạng dự án và những giải pháp cần có để xử lý những vấn đề môi trường phát sinh. Việc phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung đã tàn phá quá nhiều diện tích rừng gây nên tình trạng lũ lụt là một ví dụ của việc coi nhẹ việc đánh giá tác động về môi trường... Không chỉ báo cáo cho có, nhiều chủ đầu tư còn “lách” bằng cách chia nhỏ dự án trong khi đánh giá tác động môi trường, nhưng về hiệu quả KT- XH lại tính trên tổng thể dự án để rồi kết luận “ảnh hưởng ít đến môi trường nhưng hiệu quả kinh tế rất lớn”...

Bên cạnh đó, không ít quy định… vẫn chỉ là quy định. Đơn cử như quy định trong Luật BVMT: “chủ dự án có trách nhiệm niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án về các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp bảo vệ môi trường để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát”… nhưng thực tế đã mấy chủ dự án thực hiện nghiêm túc quy định này. Nhiều dự án, người dân chưa được tham gia đánh giá tác động môi trường hoặc có tham gia thì chỉ hình thức, đặc biệt trong công tác quản lý.

Điều đáng nói nữa là rất nhiều chủ đầu tư dự án khi được yêu cầu lập báo cáo ĐTM thì chỉ làm lấy lệ, làm cho đủ thủ tục để dự án được thông qua chứ không quan tâm đến những tác động và nguy cơ môi trường thực sự. Thực tế, có những dự án đầu tư trị giá đến hàng chục tỷ đồng, nhưng chi phí thực hiện ĐTM thậm chí chỉ vài chục triệu đồng. Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, đấy là điều không hợp lý vì với mức chi như vậy khó có thể đáp ứng một loạt các yêu cầu khảo sát, đo đạc một cách nghiêm túc, cập nhật đầy đủ các chỉ tiêu môi trường ở các khu vực dự án cụ thể…

Trong khi đó, việc thẩm định báo cáo ĐTM cũng chủ yếu làm thẩm định chay. Theo quy định, Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện của cơ quan phê duyệt dự án; cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của cơ quan phê duyệt dự án; cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi thực hiện dự án; các chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung, tính chất của dự án; đại diện của tổ chức, cá nhân khác... đi thực tế tại hiện trường. Nhưng thực tế Hội đồng thẩm định không đi khảo sát thực địa khu vực thực hiện dự án mà chỉ thẩm định trên hồ sơ dẫn đến kết quả thẩm định nhiều khi không chính xác. TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường - Phó chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường, thừa nhận: “cá nhân tôi làm công tác thẩm định ĐTM nhiều rồi, nhưng số lần tôi đi đến tận hiện trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Theo Phó cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường - Bộ TN-MT Mai Thế Toản: để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển các hoạt động ĐMC, ĐTM ở Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong công tác thẩm định báo cáo, trong hoạt động hậu kiểm, nâng cao vai trò quản lý trong công tác BVMT, để các dự án đầu tư được triển khai theo đúng quy hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đánh giá tác động môi trường vẫn còn mang tính hình thức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO