Đánh giá tác động môi trường nhìn từ Thủy điện Sông Tranh 2
Những trận động đất liên tiếp tại Quảng Nam thời gian qua làm cho người dân hết sức lo lắng; đặc biệt là nguy cơ lớn đối với Thủy điện Sông Tranh 2… Vậy nhưng, trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này chỉ vẻn vẹn nửa trang nói về động đất kích thích. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tình trạng chung về công tác báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện nay…
Xác định rõ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ giúp phòng ngừa và ngăn chặn những tác động xấu của các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cơ sở sản xuất kinh doanh và các công trình khác tới môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã dành hẳn một chương riêng quy định về nội dung này. Tuy nhiên, điều đáng nói là ĐTM ở nước ta chưa thực sự là công cụ hữu hiệu phòng, chống suy thoái, ô nhiễm và sự cố môi trường; chưa tạo điều kiện để người dân tham gia hoặc chỉ là hình thức. Yêu cầu đặt ra cho một báo cáo ĐTM là phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện và các thành phần môi trường, yếu tố kinh tế - xã hội chịu tác động của dự án, dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra.
“Đối với những công trình thủy điện lớn, động đất là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn, thậm chí có thể gây ra thảm họa. Bởi vậy, nội dung đánh giá động đất mang ý nghĩa hết sức quan trọng cần phải được xây dựng một cách kỹ lưỡng và thực sự nghiêm túc” - một chuyên gia nhận định.
Trong các bản ĐTM, đánh giá tác động của động đất và cả động đất kích thích cần được làm rõ ràng, tỉ mỉ, phải có sự phân tích của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này mới có thể đưa ra những kết luận chính xác và sâu sắc. Trong khi đó, báo cáo ĐTM của dự án Thủy điện Sông Tranh 2 dài 200 trang nhưng chỉ vẻn vẹn 20 dòng đề cập tới động đất kích thích, đó là chưa kể kết luận “không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường” chỉ dựa vào công trình “Phân tích các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện” năm 2002 của một chuyên gia Viện Địa lý.
Thực tế không ít báo cáo ĐTM bị coi nhẹ, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ làm qua loa để nộp, nhiều khi cóp nhặt từ các loại báo cáo khác trong khi yêu cầu đặt ra cho người lập báo cáo là trên cơ sở tìm hiểu rất kỹ những tư liệu và thông số mới đưa ra phương án, giải pháp phù hợp cho thiết kế nhằm đảm bảo độ an toàn cao nhất cho công trình. Trong trường hợp chủ dự án không có khả năng phân tích chính xác thì việc thuê tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM là điều cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định bắt buộc trường hợp nào phải có tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM mà chỉ nhấn mạnh “chủ dự án tự mình hoặc thuê tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM và chịu trách nhiệm về các số liệu, kết quả nêu trong báo cáo ĐTM”.
Mặc dù Nghị định 117/2009/NĐ-CP về Xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có điều khoản quy định về trường hợp lập, thực hiện báo cáo ĐTM không đúng hoặc có sai sót sẽ bị xử phạt với mức cao nhất là 170 triệu đồng nhưng theo nhiều chuyên gia, quy định còn khá “mơ hồ” với mức phạt chưa đủ sức răn đe. Đã từng có lần các chuyên gia kiểm tra báo cáo ĐTM của một thủy điện ở miền Nam nhận thấy chỉ có tên trên cùng là đúng mà nội dung bên trong toàn là Thủy điện Sơn La nhưng báo cáo đó vẫn được thông qua. Điều đó cho thấy “trách nhiệm pháp lý đối với người quyết định thông qua báo cáo ĐTM cũng chưa được đặt ra” - Ts. Vũ Quang, ĐH Bách Khoa Hà Nội nói.
Luật cho phép thuê tư vấn nhưng có những công ty chỉ có vài người, không có kế toán thậm chí chỉ có giám đốc. “Nhiều báo cáo ĐTM được lập nên bởi đơn vị này chỉ là hình thức nhưng có báo cáo nào không được thông qua đâu” - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Lương Minh Thảo chia sẻ. Do vậy, việc lưu tâm và xây dựng những đơn vị tư vấn độc lập và am hiểu mọi lĩnh vực để có đánh giá chính xác, khách quan cũng như đưa vào trong Luật những quy định xử phạt nặng hoặc cấm tư vấn trong 5 năm nếu làm ẩu, làm sai thực sự rất cần thiết.
Đến nay, việc chịu trách nhiệm về những sai sót trong Báo cáo ĐTM của Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 thuộc về cơ quan, tổ chức nào vẫn còn chưa được phân định rõ nhưng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005 cả Hội đồng thẩm định và Tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM là cơ quan tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đều phải chịu trách nhiệm đối với kết luận của mình. Tuy nhiên, Luật chỉ mới xét tới trách nhiệm của Tổ chức dịch vụ thẩm định mà bỏ sót trách nhiệm của Hội đồng thẩm định. Đáng nói hơn, trách nhiệm của Tổ chức dịch vụ thẩm định như thế nào cũng chưa được đề cập tới.
“Trong trường hợp báo cáo ĐTM đã được phê duyệt mà dự án vẫn làm tổn hại đến môi trường xuất phát từ chất lượng của báo cáo ĐTM thì Hội đồng thẩm định hoặc Tổ chức dịch vụ thẩm định phải chịu trách nhiệm về hậu quả này như là cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM” - Ts. Nguyễn Văn Phương, Giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội góp ý.
Rõ ràng, cần chỉnh sửa cũng như bổ sung điều khoản pháp luật mới nhằm thắt chặt công tác đánh giá tác động môi trường, quy trách nhiệm rõ ràng cho các bên, từ chủ đầu tư, cơ quan quản lý đến các nhà khoa học… Có như vậy mới bảo đảm được chất lượng công trình, cũng như tránh được hệ lụy môi trường nghiêm trọng.