Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV:

Đánh giá sơ bộ tác động môi trường với dự án có nguy cơ tác động xấu ở mức độ cao

- Thứ Ba, 17/11/2020, 16:22 - Chia sẻ
Chiều 17.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), gồm 16 chương, 171 điều, với tỷ lệ 91,91% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Thu hẹp đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Một sửa đổi quan trọng tại Luật Bảo vệ môi trường vừa được Quốc hội thông qua là thay đổi đối tượng phải tiến hành đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Theo đó, thay vì nhiều dự án xin cấp phép đầu tư như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công hiện hành, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường là dự án đầu tư nhóm I (Điều 29).

Ảnh: Lâm Hiển
Ảnh: Lâm Hiển

Theo quy định tại Điều 28, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao bao gồm: Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng thuộc khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng thuộc khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng thuộc khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng thuộc khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng thuộc khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư quy mô lớn.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cho rằng, quy định theo phương án này sẽ giúp giảm được thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này.

Tuy nhiên, quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường như Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) hẹp hơn so với quy định của Luật Đầu tư công. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất, tại khoản 3 Điều 169 Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 30 và khoản 6 Điều 31 của Luật Đầu tư công, để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Trước 31.12.2024 sẽ thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt

Về giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chỉ đưa ra nguyên tắc để chính quyền địa phương xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý, trong quá trình xây dựng sẽ căn cứ vào các yếu tố khác như công nghệ, cách thức thu gom, tổ chức để đưa ra quy định cho phù hợp. Theo quy định tại Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với pháp luật về giá. Giá dịch vụ sẽ tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo đúng quy định thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Theo quy định tại Điều 79, với trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định sẽ phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Cơ quan, tổ chức, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc cơ sở có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng nhỏ theo quy định của Chính phủ được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân.

Tại Điều 79 cũng phân định rõ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại Luật này. UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng và loại phát sinh.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2021. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cần có lộ trình phù hợp để bảo đảm tính khả thi, nếu quy định sớm hơn nhiều địa phương chưa có điều kiện thực hiện giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt. Do vậy, tại khoản 7 Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định, việc phân loại và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện chậm nhất trước ngày 31.12.2024.

P.Thủy