Đánh giá lại hoạt động của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục

- Thứ Năm, 29/10/2020, 03:36 - Chia sẻ
Sáng 28.10, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan hữu quan về tổ chức và hoạt động của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14 ngày 19.11.2018), tại Khoản 28, Điều 1 quy định: Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Để phù hợp với quy định tại Luật, việc tổ chức lại Trung tâm KĐCLGD - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm KĐCLGD - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng như các trung tâm KĐCLGD khác độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học (Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng, Trung tâm KĐCLGD - Trường Đại học Vinh; Trung tâm Kiểm định chất lượng trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) là cần thiết. Tuy nhiên, việc chuyển đổi, tái cơ cấu tổ chức và hoạt động của các trung tâm KĐCLGD công lập còn có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý…

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện các đơn vị kiểm định là nhu cầu khách quan của việc cung cấp dịch vụ kiểm định cho các cơ sở giáo dục. Bản chất của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là phải độc lập, khách quan, vì vậy Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định hoàn toàn đúng đắn. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật thì KĐCLGD không chỉ đặt ra đối với giáo dục đại học, cao đẳng, mà đối với toàn bộ cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Các trung tâm KĐCLGD hiện có đã hoạt động gần 10 năm và có những kinh nghiệm chuyên môn nhất định, thời gian tới cần được tiếp tục đổi mới và phát triển để thỏa mãn các nhu cầu khách quan về kiểm định hiện có… Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong thời gian tái cơ cấu, các tổ chức KĐCLGD được phép tiếp tục triển khai các hoạt động KĐCLGD, đặc biệt là các chương trình đào tạo để bảo đảm hệ thống có thể thực hiện được Luật Giáo dục đại học.

Điều 52, Luật số 34 quy định: “Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, cho phép hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; điều kiện và thủ tục để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam”. Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần ra văn bản quy định về vấn đề này…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng hiện nay cần có cái nhìn tổng thể về hệ thống KĐCLGD, nên phải khảo sát, đánh giá lại hoạt động của các trung tâm KĐCLGD, từ đó có hướng đi cụ thể. Toàn bộ hệ thống đang “dừng lại”, vì muốn mở ngành phải có kiểm định. Do đó, trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu, có thể cho phép các trung tâm này tiếp tục hoạt động cho tới khi có phương án mới…

Ng. Phương