Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt: Cách thức thực hiện Chương trình có công bằng với các ngân hàng thương mại?
Tại Nghị quyết số 33 ngày 11.3.2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì để triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ (Chương trình 120 nghìn tỷ đồng); quy định rõ để lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước. Để thực hiện nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản triển khai Chương trình hỗ trợ cho vay đầu tư dự án và vay vốn mua nhà ở xã hội; quy định cụ thể về đối tượng, nguyên tắc cho vay, thời gian triển khai, thời gian ưu đãi; công bố định kỳ 6 tháng một lần về mức lãi suất cho vay với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, từ nghị quyết của Chính phủ đến các văn bản hướng dẫn triển khai của Ngân hàng Nhà nước đều không có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho ngân hàng thương mại tham gia Chương trình này. Các ngân hàng thương mại tự trích từ nguồn tiền của mình, tiết kiệm kinh phí hoạt động để triển khai Chương trình; toàn bộ từ khâu thẩm định, xét duyệt đến cấp tín dụng đều do các ngân hàng thương mại phải tự thực hiện, tự chịu trách nhiệm… không có ưu đãi gì hơn so với quy định của pháp luật hiện hành. Cách thức triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng như vậy có công bằng với với các ngân hàng thương mại không?
Chương trình 120 nghìn tỷ đồng này được triển khai không có sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước, rất khác với Chương trình 30 nghìn tỷ đồng trước đây hoặc chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngân hàng Nhà nước cần rà soát thực tế việc triển khai Chương trình này, từ đó cân nhắc đưa ra đề xuất với Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại tham gia.
Qua khảo sát thực tế và làm việc với 12 tỉnh, thành phố vừa qua, Đoàn giám sát đã nhận được nhiều kiến nghị của các địa phương cho rằng, để Chương trình 120 nghìn tỷ đồng khả thi thì cần có hỗ trợ về lãi suất hoặc về nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng. Nếu triển khai như cách thức hiện nay thì Chương trình này không có điểm khác biệt so với các gói tín dụng đang được ngân hàng thương mại triển khai.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Cần có cơ chế hỗ trợ ngân hàng thương mại tham gia Chương trình
Thực tế khảo sát và làm việc tại 12 địa phương vừa qua cho thấy, các bộ, ngành liên quan cần “ngồi lại” để xác định rõ với nhu cầu của người dân hiện nay thì phương pháp nào là phù hợp, khả thi để triển khai Chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội? Nếu thực hiện Chương trình này nhằm mục tiêu cải thiện môi trường sống cho người dân, người lao động, thì cách tiếp cận vấn đề phải khác. Và, nếu theo cách tư duy này, sẽ phải xác định rõ Nhà nước có trách nhiệm cấp bao nhiêu vốn, quy định tổ chức bộ máy triển khai ở các chính quyền địa phương, thậm chí xác định có lập doanh nghiệp công ích quản lý nhà ở xã hội hay không? Bởi, nếu chúng ta xác định nhà ở xã hội không phải để bán mà chỉ cho thuê, là tài sản của Nhà nước, thì các địa phương phải thiết lập bộ máy để quản lý nguồn vốn và những tài sản này. Đồng thời, cũng sẽ phải rà soát xem có tương thích với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 không?
Về Chương trình 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cần làm việc với Bộ Tài chính về cách tính một số loại thuế liên quan đối với các ngân hàng thương mại tham gia. Nếu vẫn không có ưu đãi, hỗ trợ với các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình này như hiện nay sẽ khó có tính khả thi, vì các ngân hàng cũng phải bảo đảm lợi nhuận kinh doanh. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng cần đánh giá một số ngân hàng thương mại tham gia Chương trình đã thực hiện đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về tiết kiệm chi phí quản lý và các khâu khác, ứng dụng kỹ thuật số... để giảm chi phí quản lý của hệ thống ngân hàng, đưa lãi suất giảm từ 1,5% đến 2% so với lãi suất vay vốn thông thường chưa?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng: Sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội
Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ không sử dụng ngân sách nhà nước. Gói tín dụng này chủ yếu do các ngân hàng thương mại tự nguyện tham gia. Hiện nay, đã có thêm 4 ngân hàng thương mại tham gia cùng với 5 ngân hàng đang thực hiện. Các ngân hàng đang phấn đấu sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm 3% so với mức cũ là 2% của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Qua rà soát các văn bản ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước xin ghi nhận các kiến nghị của địa phương và thành viên Đoàn giám sát; sẽ tiến hành nghiên cứu quy định pháp luật, kinh nghiệm thực tế để có đề xuất phù hợp trong thời gian tới…
Quốc hội triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan đều mong muốn Đoàn giám sát sẽ phát hiện được nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, đề xuất được nhiều giải pháp hữu hiệu để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội hiện nay. Bởi, hơn ai hết, ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thị trường bất động sản bị “đóng băng”, hay tình trạng đã triển khai cho vay, chuẩn bị bán dự án mà không thể triển khai tiếp… Rất mong những “câu chuyện” nêu trên sẽ được xử lý hiệu quả để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững.