Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đánh giá kỹ tác động

- Thứ Hai, 30/08/2021, 08:31 - Chia sẻ
Yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật Điện ảnh là khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; quy định cụ thể các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; các chính sách đề xuất mới cần được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ… Tuy vậy, qua các ý kiến tại phiên họp Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dường như những yêu cầu này vẫn chưa đạt.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như đại diện các Ủy ban đều tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về quyền con người, quyền công dân, quyền thụ hưởng và tiếp cận các giá trị văn hóa, phát triển văn hóa Việt Nam; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; và khắc phục những thiếu sót, bất cập sau hơn 14 năm thi hành Luật Điện ảnh năm 2006.

Hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được đánh giá là chuẩn bị công phu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và cơ quan, tổ chức có liên quan; được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy một số văn bản còn thiếu nội dung theo yêu cầu, chất lượng chưa cao, trong đó có đánh giá tác động của việc hủy bỏ và bổ sung một số loại giấy phép.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh: Nhật Linh
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
 Ảnh: Nhật Linh

Tăng hay giảm thủ tục hành chính?

So với Luật Điện ảnh hiện hành, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) bỏ 5/9 nội dung cấp phép không còn phù hợp với thực tiễn, gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp; Giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài; Giấy phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam; Hồ sơ đề nghị đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, dự thảo Luật lại bổ sung 1 nội dung cấp phép (tổ chức liên hoan, giải thưởng và cuộc thi phim quốc tế tại Việt Nam - Điều 39), 2 nội dung thông báo bằng văn bản có sự chấp thuận (nội dung chương trình chiếu phim tại địa điểm chiếu phim công cộng - Điều 23; nội dung, kế hoạch tổ chức chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại Việt Nam - Điều 41); kế thừa có sửa đổi, bổ sung 4 nội dung cấp phép, trong đó có 2 nội dung chuyển từ đơn đề nghị có sự chấp thuận sang giấy phép (tổ chức liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim và cuộc thi phim của bộ, ngành hoặc địa phương - Điều 40); tổ chức chương trình phim, tuần phim nước ngoài tại Việt Nam - Điều 41); 1 nội dung chuyển từ đơn đề nghị có sự chấp thuận sang thông báo bằng văn bản có sự chấp thuận (nội dung, kế hoạch tổ chức Chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài - Điều 42); 1 nội dung thay đổi từ Giấy phép phổ biến phim thành Giấy phép phân loại phim.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, tính ra như thế lại không đạt yêu cầu giảm thủ tục hành chính. Vì vậy, cần đánh giá lại tác động của các thủ tục hành chính này. “Khi ban hành thủ tục hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, chứ không chỉ là yêu cầu quản lý dễ hơn cho cơ quan nhà nước. Thủ tục hành chính cũng phải bảo đảm công bằng cho cả hai phía, người dân và doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực điện ảnh và cơ quan quản lý nhà nước”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có 52 điều, nhưng dành tới 9 nội dung giao Chính phủ và 10 nội dung giao Bộ trưởng hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Để bảo đảm việc thi hành sau khi Luật có hiệu lực, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung có thể cụ thể hóa trong Luật, hạn chế quy định ở các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thiếu quy định điều kiện được cấp phép

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng, báo cáo đánh giá tác động chưa thuyết phục; đồng thời băn khoăn, việc bỏ các loại giấy phép như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim thì có ảnh hưởng đến chất lượng phim hay không? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương thì nhận thấy, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vẫn có quá nhiều quy định liên quan đến cấp giấy phép nhưng hầu hết không quy định cụ thể về điều kiện được cấp giấy phép. “Khi không có quy định về điều kiện thì sẽ dẫn đến không bảo đảm tính minh bạch, công bằng. Do vậy, cần bổ sung các quy định về điều kiện cấp giấy phép; đồng thời cũng cần quy định cụ thể hơn việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép phân loại phim cho UBND cấp tỉnh”.

Ngoài ra, một số chính sách được quy định trong dự thảo Luật nhưng chưa được đánh giá đầy đủ trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách, như quy định về phổ biến phim trên không gian mạng; chính sách đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh; quy định về phân loại phim… Một số nội dung đánh giá còn mang tính chủ quan, chưa đủ căn cứ thuyết phục. Chẳng hạn, đánh giá “việc loại bỏ quy định điều kiện thành lập doanh nghiệp nhập khẩu phim” chỉ có tác động tích cực mà không có tác động tiêu cực, trong khi việc loại bỏ điều kiện này có thể khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phim mọc lên tràn lan và khó kiểm soát.

Từ những nhận xét, góp ý như trên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể các chính sách để có cơ sở quy định trong các điều, khoản của dự thảo Luật bảo đảm tính phù hợp, khả thi; bổ sung lý giải về việc thay đổi các loại giấy phép nêu trên; rà soát các thủ tục hành chính để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, đồng thời thúc đẩy sáng tạo, tăng quyền tự chủ của các cơ sở điện ảnh, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện ảnh.

Nguyên Anh