Việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013 của Quốc hội

Đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất chính sách mới phù hợp

- Thứ Tư, 06/10/2021, 06:22 - Chia sẻ
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 và 2020, Ủy ban Xã hội đánh giá cao kết quả đạt được, đồng thời lưu ý các mục tiêu, chỉ tiêu chỉ được đặt ra cho năm 2020 nhưng đến nay vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Do vậy, Chính phủ cần xem xét và đánh giá toàn diện để có hướng giải quyết cụ thể.

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 31.12.2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, đạt 100,2% so với kế hoạch đặt ra. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng. Tổng số chi ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 43.638,5 tỷ đồng, bằng 41% tổng số thu tiền đóng BHYT.

Liên quan đến tình hình khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019. Đối với việc khám, chữa bệnh BHYT theo loại hình nội trú, ngoại trú, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn quốc có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019. Bên cạnh đó, tại một số địa phương thực hiện giãn cách hoặc có cơ sở khám, chữa bệnh BHYT bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19 dẫn đến thời gian điều trị nội trú buộc phải kéo dài ngày khiến tỷ lệ chi phí giường bệnh nội trú tăng hơn so với năm 2019, chiếm gần 25% tổng chi khám chữa bệnh nội trú, gần bằng tỷ lệ chi phí thuốc, hóa chất, dịch truyền, máu và chế phẩm máu của người bệnh điều trị nội trú.

Đồng tình với những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, các thành viên Ủy ban Xã hội đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành về BHYT.

Qua nghiên cứu, rà soát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao trong Nghị quyết 68/2013/QH13 đã được Chính phủ hoàn thành và đạt kết quả ngoài mong đợi. Đến hết tháng 7.2021, cả nước đã có 88,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,3%. Như vậy, với đà thực hiện này, việc đạt chỉ tiêu 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hoàn toàn khả thi.

Các thành viên Ủy ban Xã hội cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các biện pháp bảo đảm chất lượng và giá cả phù hợp cho thuốc chữa bệnh, khắc phục được tình trạng bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương cũng như cải tiến quy định về chuyển tuyến phù hợp với tình trạng bệnh tật của bệnh nhân. Công tác chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng khám, chữa bệnh cũng được quan tâm và có xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về khám, chữa bệnh BHYT.

Việc đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy nhanh tốc độ liên thông với hệ thống phần mềm công nghệ thông tin giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với cơ quan khám, chữa bệnh, góp phần tăng cường năng lực khám BHYT. Các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương đã giảm được tình trạng quá tải theo yêu cầu của Nghị quyết 68/2013/QH13 về việc giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương.

Cùng với mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHYT, việc chuyển hướng chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT đã được khẳng định là hướng đi đúng đắn, bảo đảm tính công bằng giữa các cơ sở y tế và là giải pháp mạnh nhằm minh bạch hơn việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Việc tự bảo đảm chi thường xuyên một phần và hoàn toàn của các cơ sở khám, chữa bệnh đã góp phần giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng/năm và dành khoảng 36% số kinh phí chi sự nghiệp y tế để đóng hoặc hỗ trợ người dân tham gia BHYT trong 2 năm 2019 và 2020.

Xem xét kỹ, đánh giá toàn diện việc thực hiện

Song song với những kết quả đạt được, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho rằng, tỷ lệ người tham gia BHYT khá cao, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia càng cao thì tỷ lệ bảo đảm ngân sách lớn. Do đó, nếu không có giải pháp bảo đảm tỷ lệ bền vững thì khi thay đổi về chính sách sẽ dễ dẫn đến sụt giảm số người tham gia BHYT. Mức đóng BHYT lại không tương ứng với sự tăng giá của dịch vụ kỹ thuật, nhu cầu khám, chữa bệnh. Hơn nữa, hiện nay ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đến 59% đối tượng BHYT và các đối tượng này đóng tiền theo mức lương cơ sở. Trong khi đó, quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT ngày càng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người tham gia BHYT.

Ngoài ra, trong Nghị quyết 68/2013/QH13, Quốc hội giao Chính phủ một số nhiệm vụ khác, trong đó, đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương vẫn cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở. Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế huy động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), UBND các tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các dự án ODA để đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các nội dung về y tế - dân số trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn 2021 - 2025.

Ghi nhận kết quả này, song các thành viên Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, tới cuối năm 2020 mới chỉ có khoảng 78% số trạm y tế được đầu tư kiên cố. Thậm chí, so với nhu cầu thực tế cần được cải tạo, đầu tư xây mới thì hiện nay rơi vào khoảng 40% số trạm y tế cần được cải tạo, xây mới và rất nhiều trạm y tế là tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là thách thức không nhỏ, bởi mặc dù cả hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đều đề cập đến vấn đề các trạm y tế cơ sở nhưng thực ra nguồn lực đầu tư của địa phương vào trạm y tế xã hiện nay rất hạn chế.

Nội dung về phát triển BHYT theo Nghị quyết số 68/2013/QH13 sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 10 này và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Nghị quyết số 68/2013/QH13 chỉ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2020, cho nên đây là thời điểm thích hợp để trình Quốc hội xem xét, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này. Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính cần xem xét kỹ càng và đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13, để trình Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết mới, đáp ứng thực tiễn cuộc sống.

Hồ Long