Nhịp cầu

Đánh giá hiệu quả thực chất Chương trình giảm nghèo bền vững

- Chủ Nhật, 01/11/2020, 09:42 - Chia sẻ

Những năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ) đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Sông Hinh bình quân 1% - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; bảo đảm thu nhập bình quân/người của hộ nghèo trên toàn huyện đến cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Hầu hết các hộ nghèo đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như: Vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, miễn giảm học phí, khuyến nông, khuyến lâm…

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo chưa được thường xuyên. Do đó, một bộ phận hộ nghèo còn tâm lý ỷ lại, chưa tự vươn lên để thoát nghèo; nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình còn hạn chế; số hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo cao; sự chênh lệch mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của tỉnh còn cao...

Giám sát nội dung này, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên đánh giá cao nỗ lực thực hiện chương trình của huyện Sông Hinh thời gian qua; đồng thời, đề nghị địa phương tập trung đầu tư hệ thống kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đường nội đồng và điện sản xuất; tăng cường truyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện chương trình, nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức để chủ động tham gia phát triển sản xuất nhằm thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, việc hỗ trợ sản xuất cho bà con cần tập trung hơn; tập trung cơ chế lồng ghép vốn để thực hiện chương trình tốt hơn nữa. Ngành chức năng quan tâm hướng dẫn người dân xác định mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đầu tư xây dựng, cần xác định đầu tư công trình, dự án nào để thúc đẩy phát triển đồng bộ tại địa phương; đẩy mạnh thi công, quyết toán các công trình kịp thời; đồng thời, có kế hoạch duy tu, sửa chữa các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả lâu dài.

Bên cạnh đó, thực tế cũng còn nhiều vấn đề địa phương cần làm rõ để đánh giá hiệu quả thực chất qua 5 năm thực hiện chương trình. Đó là: Tỷ lệ hộ nghèo tăng hay giảm; công tác đào tạo nghề có gắn liền với giải quyết việc làm, đến nay đã giải quyết được bao nhiêu việc làm cho lao động nông thôn; vấn đề xuất khẩu lao động thực hiện như thế nào; có bao nhiêu công trình hoàn thành, chưa hoàn thành; đánh giá lại việc phân cấp đầu tư, quy trình thủ tục thực hiện tại địa phương đã hiệu quả chưa, có những khó khăn, vướng mắc gì cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; việc triển khai mô hình sản xuất hiệu quả cho người dân… Trên cơ sở đó, mới có những giải pháp hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo.

TUY AN