Cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả các dự án
Đồng tình với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Một số đại biểu cho rằng, dự án này nên làm từ sớm và làm từ lâu vì đây là mong ước của Nhân dân cả nước để tạo điều kiện thông thoáng cho việc kinh doanh, đi lại, vận chuyển hàng hóa và tăng cường kết nối vùng miền, tạo động lực lan tỏa trên hành lang trục Bắc - Nam cho việc chuyển dịch kinh tế…
Theo ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre), việc kéo dài thời gian thực hiện 10 năm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về các vấn đề nhân công, giá cả, nguyên vật liệu... Do vậy, rút kinh nghiệm từ đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ cần làm rõ phương án dự phòng trong trường hợp kéo dài quá thời gian để đánh giá về hiệu quả kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, tuy nhiên, cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả các dự án, đáp ứng đúng mục tiêu và sự mong đợi của cử tri.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, dự án này sẽ đi qua 20 tỉnh và diện tích đất của dự án này là 10.827ha, trong đó diện tích đất lúa, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao. Do vậy, cần có kế hoạch chuyển đổi phù hợp; đồng thời có phương án bảo đảm sinh kế, việc làm cho người dân. Đặc biệt là cần tính toán phương án ưu tiên tạo việc làm cho nhóm kỹ sư, người lao động, công nhân và những người dân thuộc vùng giải tỏa mà dự án đi qua.
Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn khả năng bố trí vốn cho từng giai đoạn, việc hấp thu, cân đối nguồn vốn, đặc biệt phải tính toán kĩ về phương án dự phòng trong việc phân bổ vốn. Ngoài ra, cần làm rõ việc điều tiết tỷ lệ hành khách giữa đường bộ, đường hàng không, đường sắt. Bên cạnh đó, cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn về vấn đề môi trường cho phù hợp…
Nên thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại tại các thành phố lớn
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho rằng, hiện nay, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vừa có hiệu lực từ 1.8.2024 đã có những quy định cụ thể về vấn đề thực hiện dự án nhà ở thương mại và thông qua những thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất.
Do đó, khi các luật này đi vào thực tế cần có thời gian triển khai, xem xét các vướng mắc điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sẽ hợp lý hơn việc ban hành nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Trong khi các Luật vừa có hiệu lực chưa đủ thời gian để thẩm thấu, đánh giá để xem những vướng mắc liên quan đến nội dung này thế nào.
Theo đại biểu Hà, với 1 dự án nhà ở thương mại, thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư, khai thác kinh doanh, quản lý khá dài, phức tạp. Ngoài ra, một dự án nhà ở thương mại liên quan đến nhiều chủ thể, quy định về pháp luật khác nhau, nếu thí điểm chỉ có 5 năm để làm cơ sở thực hiện dự án thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khá lớn, dễ dẫn đến xung đột với các luật khác.
Mặt khác, có ý kiến cũng cho rằng, cần có đánh giá kĩ xem xét việc thí điểm nên chọn vùng, hay chọn địa phương, khu vực nào cho phù hợp. Nhất là chỉ nên lựa chọn thí điểm nhà ở thương mại tại các thành phố lớn chứ không nên mở rộng tất cả khu vực. Ngoài ra, cần có các chế tài để kiểm soát cụ thể, tránh lãng phí nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác. Đồng thời, cần xem xét thực tế để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để thực hiện tốt các dự án nhà ở thương mại và các dự án khác đối với việc tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp…