Chỉ luật hóa trong phạm vi thí điểm?
Nội dung đấu giá biển số xe ô tô đang được Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thiết kế 2 phương án. Phương án 1: bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 37 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý), trên tinh thần kế thừa nội dung của Nghị quyết 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô có điều chỉnh để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết trên. Phương án 2:bổ sung nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Tán thành với phương án 1, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của việc đấu giá biển số xe. Chính vì vậy, việc luật hóa các quy định về đấu giá biển số xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm lưu ý, biển số xe được xác định là một loại tài sản công, giống như đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước... Do đó, việc quản lý biển số xe cũng tương tự như quản lý các loại tài sản công khác. Trên tinh thần này, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ quy định về nội dung, loại biển đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đăng ký xe, biển số xe trúng đấu giá… Đối với hình thức, trình tự, thủ tục đấu giá thì thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các luật chuyên ngành và Luật Đấu giá tài sản, không giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục như tại khoản 11, Điều 37 dự thảo luật.
ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nêu rõ, khi ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15, Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ, không chỉ về khía cạnh kinh tế, mà còn cả khía cạnh xã hội, văn hóa... Thời gian báo cáo Quốc hội tổng kết thực hiện Nghị quyết và đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe ô tô là tại kỳ họp đầu năm 2026. Vì vậy, nếu muốn luật hóa quy định đấu giá biển số xe thì nên hết sức cân nhắc. Đại biểu Đồng Ngọc Ba cũng cho rằng, trước mắt, chỉ luật hóa trong phạm vi thí điểm, tức là đối với biển số xe ô tô nền trắng, chữ đen, chưa mở rộng với các phương tiện khác. Và khi dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới thì phải có báo cáo đánh giá tác động bổ sung trên các khía cạnh văn hóa, xã hội.
Không "đóng khung" một phương án
Theo ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), Nghị quyết 73/2022/QH15 có nêu: “Biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho xe ô tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe ô tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, xe ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam”. Tuy nhiên, so với Nghị quyết 73/2022/QH15, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung biển số xe đấu giá là biển số xe mô tô, xe gắn máy.
Đề nghị cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng quy định nêu trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân chỉ rõ, đấu giá biển số xe được dư luận rất quan tâm, vì đáp ứng được nhu cầu của người dân và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tuy nhiên đây là vấn đề mới, đang trong quá trình thực hiện thí điểm. "Quá trình thực hiện thí điểm sẽ từng bước rút kinh nghiệm để tăng cường các biện pháp quản lý cần thiết, và có thể sửa đổi, bổ sung các quy định hiện nay cho phù hợp. Song vẫn cần nghiên cứu, cân nhắc, có tổng kết đánh giá đầy đủ, cụ thể, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết 73/2022/QH15 để bổ sung vào dự thảo luật cho phù hợp", đại biểu nói.
Liên quan đến giá khởi điểm, khoản 2, Điều 37, dự thảo Luật quy định, giá khởi điểm của biển số xe ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu đồng (căn cứ theo Nghị quyết 73/2022/QH15); giá khởi điểm biển số xe mô tô, xe gắn máy không thấp hơn 5 triệu đồng. Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, Chính phủ quyết định cụ thể mức giá khởi điểm của các loại biển số xe đưa ra đấu giá. Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, cần có cơ sở, căn cứ rõ ràng, cụ thể để quy định mức giá khởi điểm ngay trong dự thảo luật, nhất là khi Nghị quyết 73/2022/QH15 mới triển khai được 8 tháng, chưa có tổng kết, phân tích, đánh giá toàn diện nội dung nào, quy định nào là phù hợp.
Nghị quyết 73/2022/QH15 cũng quy định “Trong thời gian thực hiện Nghị quyết này, Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản trong các tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh mạng khi kết nối với hệ thống đăng ký, quản lý xe để tổ chức đấu giá biển số xe ô tô”. Như vậy, việc đấu giá vẫn do tổ chức đấu giá thực hiện, tuy nhiên trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô do Chính phủ quy định, không quy định áp dụng tương tự theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản. Nội dung này tiếp tục được quy định tại khoản 11, Điều 37, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
"Nếu đã luật hóa nội dung liên quan đến đấu giá biển số xe, thì việc giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục có phù hợp hay không? Việc đấu giá biển số xe cũng có các nội dung về giá khởi điểm, tiền đặt trước, đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá... Vậy trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe tại sao không áp dụng trình tự, thủ tục chung về đấu giá tài sản? Và có thể cân nhắc xem xét hoàn thiện quy định này trong Luật Đấu giá tài sản hay không, trong bối cảnh Quốc hội đang thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản?", đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đặt câu hỏi.
Nhấn mạnh nguyên tắc mọi ý kiến của đại biểu Quốc hội đều phải được tiếp thu, giải trình cụ thể, thuyết phục, phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, ban soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ gửi lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan để tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh, sau đó lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh hồ sơ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, chưa đóng khung một phương án mà tiếp tục xây dựng hai phương án để các đại biểu Quốc hội thảo luận, quyền quyết định thuộc về các đại biểu Quốc hội.