Danh chính ngôn thuận

02/12/2006 00:00

Với đa số áp đảo, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép nâng cấp Cục phòng vệ thành Bộ Quốc phòng. Đối với những nhân vật “diều hâu” trong Chính quyền Tokyo, vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vừa qua thực đúng là "trong cái rủi có cái may" bởi bỗng nhiên họ được trao một cái cớ không thể chính đáng hơn để thúc đẩy Nhật Bản tái vũ trang, đưa nước này trở thành một cường quốc" theo nghĩa đầy đủ nhất.

      Dự luật vừa được thông qua cho phép nâng cấp Cục Phòng vệ Nhật Bản, vốn chỉ như một cơ quan, thành một bộ chủ chốt ở cấp Chính phủ với quyền lực rộng rãi. Người đứng đầu cơ quan này cũng được thăng cấp từ hàm Quốc vụ khanh lên hàm Bộ trưởng mặc dù lực lượng vũ trang vẫn mang tên “Lực lượng Phòng vệ” chứ không đổi thành “Quân đội Hoàng gia” hay “Quân đội Nhật Bản” do Hiến pháp của Nhật chưa cho phép. Với tư cách là một bộ trưởng trong Nội các, người đứng đầu Bộ Quốc phòng tương lai có quyền chủ động đề xuất ngân sách quốc phòng trong các cuộc họp của Chính phủ. Trên thực tế, mặc dù lực lượng vũ trang của Nhật Bản chỉ hoạt động với tư cách là “lực lượng phòng vệ”, nhưng Nhật Bản là một trong những nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới với hơn 41 tỷ USD mỗi năm. Giờ đây, việc có thêm quyền chủ động đề xuất ngân sách sẽ khiến cơ quan quốc phòng Nhật Bản chẳng khác nào hổ được thêm cánh. Ngoài ra, khác với Cục phòng vệ, Bộ Quốc phòng có quyền gửi binh sỹ hoặc nhân viên quân sự tham gia các chiến dịch ở nước ngoài. Mặc dù vào năm 2003, Nhật Bản dưới thời cựu Thủ tướng Koizumi đã có những quyết định đột phá về quốc phòng khi chấp nhận đưa quân đến Iraq. Tuy nhiên, binh sỹ Nhật Bản chỉ tham gia các chương trình nhằm tái thiết Iraq mà không tham gia các hoạt động vũ trang.
      Trong số các đảng đối lập, chỉ có Đảng Xã hội Dân chủ và Đảng Cộng sản bỏ phiếu chống, trong khi trước đây, không chỉ phe đối lập mà cả những nhân vật ôn hòa trong đảng cầm quyền đều tỏ ra dè dặt khi đề cập đến vấn đề được coi là “cấm kỵ” này. Mặc dù dự luật chỉ thực sự “sống sót” nếu “tai qua nạn khỏi” ở Thượng viện nhưng điều đó không khiến những người ủng hộ dự luật quá lo ngại bởi Thượng viện cũng là nơi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe chiếm đa số. Sự kiện trên đã chứng tỏ sự trỗi dậy của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản và ưu thế vượt trội của họ trong những cuộc tranh cãi không dứt về khả năng đưa Nhật Bản thành một cường quốc thực sự. Vừa qua, những cuộc tranh cãi đã được đẩy lên cao trào sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công vũ khí hạt nhân. Mối lo ngại trước nguy cơ hiện hữu đến từ nước láng giềng phía Nam đã thúc đẩy Nhật Bản từng bước vượt qua những điều cấm kỵ mà Hiến pháp Hòa bình năm 1947 đã quy định. Thủ tướng Shinzo Abe, người đang muốn tạo ra dấu ấn cho “triều đại” của mình, đang dựa vào sự ủng hộ của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa, để tiến tới khả năng sửa đổi Hiến pháp, đưa nước này hoàn toàn thoát khỏi cái ô an ninh của Mỹ.
      Vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên không chỉ tiếp lửa cho các cuộc tranh luận về lực lượng vũ trang mà thổi bùng lên một cuộc tranh luận khác liên quan đến việc Nhật Bản phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Mặc dù cho đến nay, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn bác bỏ khả năng này nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Taro Aso lại “ỡm ờ” rằng mặc dù Chính quyền Tokyo không có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng về mặt kỹ thuật, Nhật Bản có thừa khả năng để làm điều đó. Và không ai nghi ngờ lời khẳng định của ông Aso.
Có một điều lạ là cho tới thời điểm này, hầu như chưa có nước lớn nào trong khu vực phản ứng trước những động thái trên ở đất nước Phù Tang. Có lẽ Bình Nhưỡng đã trao Tokyo một cái cớ không thể tốt hơn. Một khi “danh đã chính” thì “ngôn sẽ thuận”. 
      Cho tới nay, Nhật Bản luôn được coi là “người khổng lồ kinh tế” nhưng vẫn chỉ là một “gã lùn chính trị” ở khu vực cũng như trên trường quốc tế. Điều mà người ta lo ngại là việc Nhật Bản trở lại với tư thế của một “cường quốc đầy đủ” liệu có gây ra hiệu ứng domino, khiến những nước khác trong khu vực lấy đó làm cớ để thúc đẩy chính sách an ninh của mình một cách “danh chính ngôn thuận” hay không?

Minh Hiểu

    Nổi bật
        Mới nhất
        Danh chính ngôn thuận
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO