Dành 38 nghìn tỷ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

- Thứ Ba, 28/09/2021, 15:33 - Chia sẻ
Đó là thông tin được đưa ra tại khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy Ban Xã hội theo hình thức trực tuyến. Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội đã phối hợp với BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/NQ-UBTVQH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Sớm giải quyết nợ đọng BHXH

Theo Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2020, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục giữ đà tăng, đặc biệt là về BHXH tự nguyện. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn.

Cụ thể, cả nước có 16.176.180 người tham gia BHXH, đạt 32,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 414.035 người so với năm 2019. Trong đó, về BHXH tự nguyện có 1.125.236 người tham gia, tăng 101,6% so với năm 2019 và tăng 184,2 lần so với năm 2008; tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện năm 2020 đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong khi chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đến hết năm 2021 đạt 1%.

Bên cạnh đó, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Việc làm; Bộ luật Lao động tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Nhà nước sẽ dùng tiền kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Dùng tiền kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trường hợp nợ đọng BHXH còn khá phổ biến. Cụ thể, hiện có trên 200 nghìn doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng. Bộ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng, vừa qua tiến hành thanh tra, nhưng hiệu quả thanh tra và xử lý thanh tra chưa tốt.

Vì vậy, Bộ trưởng vừa chính thức ký quyết định giao thanh tra của toàn ngành trong năm 2022, sẽ thanh tra tập trung ở 14 tỉnh thành, với 210 doanh nghiệp và các đơn vị liên quan còn nợ đọng bảo hiểm để xử lý nghiêm.

Theo Nghị quyết số 03/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 116/NQ-CP, có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ, bao gồm, nhóm đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng hỗ trợ 1.800.000 đồng/người; đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng sẽ hỗ trợ 2.100.000 đồng/người; đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng được hỗ trợ 2.400.000 đồng/người; đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng sẽ hỗ trợ 2.650.000 đồng/người; đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng được hỗ trợ 2.900.000 đồng/người; đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên sẽ được hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách

Bộ trưởng Đào ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với tinh thần làm ngày, làm đêm, Bộ đã phối hợp với các cơ quan bộ, ngành tham mưu ban hành 2 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/NQ-UBTVQH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, nhóm bảo hiểm hưu trí tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đến nay phát triển tương đối đồng bộ và có hiệu quả. Nhìn tổng thể, những nhóm bảo hiểm này không những giải quyết được các chính sách theo quy định, mà còn có “kết dư tương đối tốt”, từ đó có thêm chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68.

“Đặc biệt, mới đây nhất là Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và Nghị quyết 116 của Chính phủ vừa ban hành ngày 24.9, dành tới 38.000 tỷ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Đây là những quyết định chưa từng có tiền lệ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương