Đảng với doanh nhân - những người lính thời bình

Ghi chép của Thanh Tâm 19/12/2011 07:44

Doanh nhân, anh là ai? Doanh nhân Việt Nam khác với doanh nhân thế giới như thế nào? – Hai câu hỏi tưởng như có thể trả lời ngay mà Người đứng đầu Đảng ta đặt ra với doanh nghiệp, doanh nhân tại cuộc làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, có lẽ không hoàn toàn đơn giản như thế.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các doanh nhân tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Ảnh: Trí Dũng
 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các doanh nhân tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 

Ảnh: Trí Dũng

Doanh nghiệp, doanh nhân ngày nay không đơn thuần chỉ có nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, làm lợi cho cá nhân. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, đội ngũ doanh nhân nước ta là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.

Doanh nhân - anh là ai? Có rất nhiều cách gọi để chỉ doanh nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi doanh nhân là giới công thương. Còn mộc mạc như Hán ngữ thì doanh nhân là người làm kinh doanh. Đa dạng và hiện đại hơn, xã hội ngày nay gọi doanh nhân là người chủ sử dụng lao động, nhà doanh nghiệp, giới chủ... Mỗi khái niệm trong một môi trường, văn cảnh cụ thể đều có hàm ý nhất định, nhưng ý chung nhất đều nhắm tới doanh nhân. Nhìn sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân qua các kỳ Đại hội Đảng sẽ thấy rõ hơn điều này. Đại hội IX của Đảng chưa có khái niệm doanh nhân mà là các nhà doanh nghiệp. Và các nhà doanh nghiệp này xếp sau rất nhiều nhà khác: công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, Hội cựu chiến binh và Hội người cao tuổi. Đến Đại hội X, sau khi tổng kết 20 thực hiện đường lối Đổi mới, một ý rất mới, lần đầu tiên trong Văn kiện Đảng nói, đối với doanh nhân là tạo điều kiện phát huy tiềm năng và vai trò tích cực trong phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng và giữ gìn thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Và đến Đại hội XI của Đảng tiến thêm một bước khi khẳng định, tạo điều kiện xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có trình độ quản lý kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao, phát huy tiềm năng và vai trò tích cực của đội ngũ doanh nhân trong phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hàng hóa, dịch vụ cho đất nước và xuất khẩu, đóng góp cho ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng và giữ gìn thương hiệu hàng hóa Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Nếu tính số chữ thì Đại hội XI dài nhất khi nói về đội ngũ doanh nhân, Đại hội X ngắn hơn và Đại hội IX lại càng ngắn - Tổng bí thư nói vui – nhưng nói vui như thế để thấy rằng, chúng ta phát triển nhận thức phải dần dần từng bước. Phải cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, của sản xuất kinh doanh thì xã hội mới ra đời được nhiều doanh nhân và hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các doanh nhân, bên hành lang Hội nghị Ảnh: Trí Dũng
  Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các doanh nhân, bên hành lang Hội nghị

Ảnh: Trí Dũng

Chẳng thế mà, trong 10 năm qua, lực lượng doanh nghiệp đã tăng gấp 6 lần, từ chỗ chưa đầy 100 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2001, nay đã có trên 600 nghìn doanh nghiệp, vượt mốc có 500 nghìn doanh nghiệp vào năm 2010. Hiện có 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133 nghìn hợp tác xã và trang trại. Nếu tính đơn giản, mỗi doanh nghiệp có từ 2 – 3 doanh nhân và mỗi hộ kinh doanh cá thể, mỗi trang trại có 1 doanh nhân thì cả nước đã có trên 2 triệu doanh nhân. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 7,4 triệu lao động, chiếm hơn 80% lực lượng lao động phi nông nghiệp và hơn 16% lực lượng lao động của toàn xã hội.

Tin rằng, sắp tới đây khi Nghị quyết số 09 - NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 9.12.2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được đưa vào triển khai thực hiện thì hiệu suất sản xuất kinh doanh cũng như sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân cho đất nước sẽ còn lớn hơn nữa. Vì rằng, Nghị quyết chẳng những đã kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong đó khẳng định đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Hơn thế, sự ra đời của Nghị quyết 09 còn đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử 81 năm nay của Đảng ta, Bộ Chính trị có một Nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân.

81 năm, có thể thời gian chờ đợi lâu như vậy, nên dù Nghị quyết không có tên trong chương trình chính thức và ngoài dự kiến của Tổng bí thư tại cuộc làm việc, đại diện tất cả các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân đều nhắc tới Nghị quyết 09 với niềm xúc động và trân trọng. Có người gọi đây là là kim chỉ nam, là sự mở lòng lớn nhất từ trước đến nay của Đảng với doanh nghiệp, doanh nhân. Có người thì quá đã với Nghị quyết khi tâm sự: Nghị quyết đã nói hết những điều doanh nghiệp, doanh nhân muốn nói và đang còn tâm tư, trăn trở. Riêng với đại diện doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh, địa bàn có số doanh nghiệp chiếm ½ tổng số doanh nghiệp của cả nước, thì tự hào, Nghị quyết này là ý Đảng, lòng doanh nghiệp. Từ luồng gió mới này, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân sẽ nhanh chóng biến Nghị quyết thành của cải vật chất cho xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế đất nước.

Và với Nghị quyết này, có lẽ xã hội sẽ không phải bàn cãi thêm về thế nào là doanh nhân, vai trò và vị thế của doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là gì? Vấn đề bây giờ là bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết – đại diện nhiều doanh nghiệp, doanh nhân phấn khởi. Tuy nhiên, Tổng bí thư cho rằng, để đi sâu, hiểu biết một cách căn cơ để quán triệt đầy đủ các Nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp, doanh nhân thì cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phải hiểu Nghị quyết sâu sắc hơn nữa. Hiểu sâu sắc để trả lời cho câu hỏi thứ hai: doanh nghiệp Việt Nam khác với doanh nghiệp thế giới như thế nào?

So với doanh nhân thế giới, doanh nhân Việt Nam có điểm tương đồng vì cùng là những người làm kinh doanh. Và trong kinh doanh thì đều đòi hỏi phải giỏi, phải có vốn, nguyên liệu, có mặt bằng sản xuất và phải có cơ chế, chính sách... Nhưng điểm khác biệt cơ bản giữa ta và họ là họ mạnh hơn ta về trình độ, khoa học kỹ thuật, bản lĩnh thương trường, về quy mô sản xuất kinh doanh và đi trước ta cả về cơ chế, chính sách – Tổng bí thư tổng kết - họ cũng khác ta vì họ phát triển nền kinh tế thị trường tự do, cạnh tranh theo kiểu cá lớn nuốt cá bé, chụp giật, anh này chết thì anh kia sống. Như cách nói của Mark, chỉ mong thế giới này là một trận đại hồng thủy, tất cả chết hết, chỉ mình tôi hứng trận mưa vàng. Còn ở ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải khác. Nói định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là chúng ta chưa có chủ nghĩa xã hội, nhưng không phải đi theo con đường khác của các nước tư bản. Vì thế nên phẩm chất của doanh nhân Việt Nam không phải chỉ có kinh doanh, tăng trưởng, lợi nhuận bằng bất cứ giá nào; không phải đạp lên người khác để vươn lên, để đánh bóng mình một cách không thực chất; làm từ thiện không phải với tư tưởng ban ơn. Doanh nhân Việt Nam phải chủ động gột rửa tư tưởng con phe, con buôn…

Có lẽ nguyên lý này đã phần nào giải thích được vì sao ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh làm giàu cho chính mình thì doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta còn có một mảng công việc đặc biệt nữa. Đó là đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Dẫu rằng, nơi này, nơi kia còn nhìn doanh nhân với con mắt chưa thật thiện cảm, nhưng không ít doanh nghiệp đang có mặt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, miền núi để kéo điện, xây trường, làm đường... Phản ánh về những khó khăn, gian khổ, thậm chí có khi đòi hỏi cả sức chịu đựng dẻo dai để vượt qua rào cản, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân kiến nghị với Đảng và Nhà nước cần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi hơn nữa cho doanh nhân. Để doanh nhân tiếp tục phát triển và thích nghi với điều kiện kinh doanh mới thì Đảng và Nhà nước cần trang bị cho lực lượng này nhiều vũ khí, khí tài sắc bén hơn nữa. Có như vậy, doanh nghiệp, doanh nhân mới thực sự là lực lượng đi đầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vẫn biết rằng, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, ăn cây nào thì rào cây ấy, song Tổng bí thư thẳng thắn và chân tình, chúng ta phải có phương pháp tư duy, phương pháp tư tưởng, phương pháp luận rất đúng, đừng phiến diện, cực đoan, không đốt cháy giai đoạn. Sự phát triển là liên tục tiệm tiến dần dần, làm sao nóng vội đòi hỏi có ngay tất cả mọi thứ một lúc. Chúng ta mới mon men đi vào kinh tế thị trường, thậm chí còn chưa hiểu kinh tế thị trường là gì. Thiếu luật pháp, cơ chế, chính sách, kinh nghiệm quản lý, trình độ cán bộ phần đông là tay ngang. Với điều kiện như vậy mà đòi hỏi vươn ngay ra thế giới là khó. Nhìn như thế để thấy được những bước phát triển như vừa qua, đặc biệt trong 10 năm qua. Chưa bao giờ chúng ta có đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn như hiện nay. Đương nhiên, nếu doanh nghiệp, doanh nhân chỉ biết một mình mình thôi mà không quan tâm xung quanh các tầng lớp ra sao thì không được. Tổng bí thư cho rằng, doanh nhân của chúng ta là doanh nhân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế thị trường theo hướng văn minh - có nghĩa là, không phải chỉ vì lợi ích tối đa của mình, mà như cách nói của Mark, nếu lợi nhuận 300% cũng sẵn sàng lên giá treo cổ. Chúng ta tăng trưởng kinh tế nhưng đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Chúng ta làm giàu nhưng là làm giàu chính đáng, đi đôi với xóa đói giảm nghèo, chăm lo vấn đề xã hội, quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng...

Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng? Phố đông còn nhớ bản làng? Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng? - Mượn câu thơ của Tố Hữu, Tổng bí thư nhắn nhủ: cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải vì mình, vì tập thể, vì cộng đồng. Là những người lính thời bình, mang tinh thần người lính để làm kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân phải có đủ bản lĩnh, quyết tâm, ý chí nhưng phải có kiến thức, nghị lực, kinh nghiệm. Và khác với doanh nhân thế giới, doanh nhân Việt Nam phải có bản sắc, tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước, vì mình, vì người. Tư tưởng cốt lõi này đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị.

Đảng và Nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ doanh nhân xứng tầm với nền kinh tế đất nước, đưa cả nước tiến lên.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đảng với doanh nhân - <i>những người lính thời bình</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO