Dáng Tổ quốc sừng sững trên bản đồ thế giới

- Thứ Năm, 25/07/2019, 08:23 - Chia sẻ
Rất nhiều giọt nước mắt rơi trên má các bạn trẻ trong buổi giao lưu giữa thế hệ trẻ với 400 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB - XH), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chiều 24.7. “Sự hy sinh của các thế hệ cha anh vì đã làm cho dáng hình Tổ quốc sừng sững trên bản đồ thế giới”, Trương Khải Minh, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam rưng rưng tự hào.

Nhớ một thời “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”

Đã 44 năm buông súng nhưng chưa khi nào thương binh ¼ Phạm Xuân Lai ở khối 4, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An nguôi nhớ về đồng đội.

Năm 1966, tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Lai nhập ngũ và bị thương nặng khi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975. Bác Lai kể, năm 1968, đơn vị của bác chiến đấu ở mặt trận phía Tây Quảng Trị. Thời điểm này, cuộc chiến giữa ta và địch đang ở giai đoạn khốc liệt; cộng thêm, năm đó lũ lụt khủng khiếp, khiến việc tiếp tế lương thực bị gián đoạn. “Đồng đội của tôi, nhiều người đã không chết vì địch mà đành ra đi vì đói khát. Bạn có biết không, đó là những cái chết đầy ám ảnh!” - bác Lai nghẹn ngào.


Các thương binh nặng trò chuyện với các cháu học sinh Trường THCS Nguyễn Siêu, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Ảnh: Thái Bình

“Nhưng thật lạ, sau mỗi sự hy sinh của đồng đội, chúng tôi không hề run sợ. Ngược lại, nỗi căm hờn và xót thương đồng đội đã khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vì thế, mới có ngày nay; mới có chuyện kẻ yếu với vũ khí thô sơ đã chiến thắng cả một đế quốc hùng mạnh nhất địa cầu!” - thương binh ¼ Đào Viết Thoàn tiếp lời đồng đội.

Khác với hai đồng đội của mình, dòng máu cách mạng đã thấm vào cô bé miền Tây Trương Hồng Dân từ khi 11 tuổi. Khi được hỏi, 11 tuổi, bác có thể làm gì giúp cho cách mạng? Thật hồn nhiên, bà nói: “Tôi chỉ làm liên lạc thôi”!

Quá khứ của cô bé liên lạc Trương Hồng Dân là những ngày dò, dẫn đường, đem cơm cho cán bộ cách mạng; nơi ngủ là trong bụi cây hoặc bên các nấm mộ trong nghĩa địa. Đến năm 14 tuổi, bé Dân bị địch bắt trong một lần chuyển tài liệu. 50 ngày tra tấn, kết quả: Địch không khai thác được gì; còn bé Dân bị đánh đến tê liệt hai chân. Thế rồi, địch chuyển Trương Hồng Dân tới trại giam. Hai năm, chuyển mấy khám; đến năm 16 tuổi thì được thả. Ra tù, bé Dân ngày nào đã thành thiếu nữ, chính thức vào bộ đội rồi được cử làm Trung đội trưởng nữ pháo binh huyện Giá Rai, tham gia nhiều trận đánh ác liệt.

Giờ cô bé liên lạc Trương Hồng Dân hay những chàng trai 18 Phạm Xuân Lai, Đào Viết Thoàn năm nào đều đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn tham gia hoạt động xã hội và lao động không ngừng nghỉ; tiếp tục cống hiến phần sức lực nhỏ bé của mình cho nhân dân, cho đất nước và cho Đảng. Như những đóng góp của thương binh Đào Viết Thoàn cho gần 30 nghìn bệnh nhân bỏng trong suốt 30 năm qua. Và quan trọng hơn, nghị lực của người lính đã giúp ông để lại cho ngành y tế Việt Nam bài thuốc Bào chế mỡ sinh cơ - một cơ duyên có được từ lần bị thương tại chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979.


Thương binh Trương Hồng Dân (thứ 2 từ trái qua) giao lưu với các đoàn viên thanh niên tiêu biểu
Ảnh: T. Bình

Thông điệp từ quá khứ

Đã có rất nhiều giọt nước mắt rơi trên má các bạn trẻ trong buổi giao lưu giữa thế hệ trẻ với 400 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 chiều 24.7. Họ khóc vì thương, vì cảm phục, vì tự hào với những gì cha anh đã cống hiến cho cuộc sống hôm nay. Cũng có cả những giọt nước mắt ân hận vì chưa thực sự hết mình phấn đấu, rèn luyện, chưa làm được gì cho gia đình, Tổ quốc. Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương, Phó Chủ nhiệm thường trực ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho rằng, được nghe những câu chuyện sống động thời chiến; những tấm gương anh dũng trong một thời đại anh hùng từ chính những người lính trở về sau chiến tranh, sẽ giúp thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc; về giá trị, ý nghĩa hoà bình có được ngày hôm nay. Từ đó biết tự hào về quá khứ, vững tin ở hiện tại và vững bước trong tương lai.

Theo đoàn viên Lê Thị Thu Hiền, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - người được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng Giải thưởng Sao Tháng Giêng 2018, những câu chuyện của các bác hôm nay xúc động hơn tất thảy mọi ngôn từ hay thước phim nào Hiền đã từng đọc, từng xem. Câu chuyện của các cựu binh là bài học về lòng dũng cảm, yêu nước và cống hiến; là thông điệp của quá khứ gửi đến tương lai, giúp người trẻ thêm động lực phấn đấu.

Đối với Trương Khải Minh - người từng là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, hiện là Giảng viên của Học viện, sự hy sinh của các thế hệ cha anh vì độc lập dân tộc đã làm cho dáng hình Tổ quốc sừng sững trên bản đồ thế giới. Minh thường nói với sinh viên rằng, một người, một thế hệ ngoảnh mặt với quá khứ thì người đó, thế hệ đó không có cả quá khứ lẫn tương lai.

Thái Bình