Đặng Thị Khuê nhận diện và kết nối truyền thống
Nhiều năm nghiên cứu văn hóa truyền thống, với họa sỹ Đặng Thị Khuê, di sản là giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng, thẩm mỹ của người xưa và đã sử dụng nghệ thuật sắp đặt như một phương tiện để nhận diện những giá trị ấy và kết nối quá khứ với hiện tại.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội đang diễn ra triển lãm Nhận diện và kết nối của họa sỹ Đặng Thị Khuê, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đưa người xem trở về giá trị văn hóa truyền thống với triết lý Việt. Họa sỹ Đặng Thị Khuê chia sẻ: Tôi chọn nghệ thuật sắp đặt không phải theo trào lưu thời thượng. Có thể nói, khi tìm về truyền thống tôi gặp nghệ thuật đương đại.
Trong hành trình nghệ thuật, họa sỹ Đặng Thị Khuê đã dùng những vật liệu của dân tộc và nghệ thuật đương đại để thể hiện các chủ đề về bản sắc văn hóa. Triển lãm Nhận diện và kết nối giới thiệu 7 tác phẩm. Tri âm là hoài cảm về ca trù, diễn xướng của người Việt từng mê hoặc lòng người; thì Dấu ấn, tác giả phục chế thu nhỏ các họa tiết và hình ảnh cổ xưa từ hoa văn trống đồng đến các chạm khắc trong kiến trúc cổ... Ngôn ngữ là góc nhỏ tái hiện không gian sống của người Mông với các sản phẩm chế từ sợi lanh và những đôi bàn tay đang phơi, in hoa văn, nhuộm chàm, đưa người xem khám phá thế giới tinh thần của phụ nữ dân tộc này... Trong Âm hưởng đại ngàn, văn hóa Tây Nguyên được ẩn dụ qua những cây cột - cột Klao, cột Kut - được tác giả chế tác theo cách hiểu riêng của mình... 7 phần khác nhau trong triển lãm nhưng chung một suy tư về con người lúc nào cũng phải đối diện với mình và quá khứ tổn thất.
![]() Ngôn ngữ - Sắp đặt của Đặng Thị Khuê |
Theo nhà phê bình Bùi Thị Thanh Mai, họa sỹ Đặng Thị Khuê sắp đặt triển lãm theo kết cấu không gian để có điều kiện trình bày ý tưởng tạo hình. Ở mỗi tác phẩm, nghệ sỹ chủ động lựa chọn những chi tiết tiêu biểu làm nổi bật nội dung và ý tưởng. Công phu sưu tầm hiện vật từ nhiều năm, tác giả đã khai thác lợi thế của những đồ vật bình dị trong dân gian để gợi về giá trị truyền thống. Qua đó người xem có thể nhận thấy sự tinh tế trong phát hiện và cảm thụ thẩm mỹ tạo hình, song, quan trọng hơn là những hiện vật và chất liệu ấy được sắp đặt nghệ thuật. Mỗi tác phẩm là cảm xúc của nghệ sỹ về lịch sử, văn hóa và cội nguồn dân tộc.
Họa sỹ Đặng Thị Khuê chú trọng tương tác với người xem. Xem Tri âm, khán giả vừa được thưởng thức tiếng đàn, lời ca của nghệ nhân, vừa thưởng thức về tạo hình từ các hiện vật đặc trưng trong nghệ thuật ca trù như đàn đáy, phách và trống chầu... Những dải lụa nhiều màu gợi về lễ hội dân gian trong Cá thể và cộng đồng tạo nên không gian mở, mọi người có thể tìm vào, bước ra, với mục đích có thể đối thoại với tác phẩm. Hay Dấu ấn, bạn có thể thực hành nghệ thuật qua hành vi, qua thao tác thực tế: nhìn, chạm vào hoặc có thể in rập - tác giả muốn nối dài ấn tượng và cảm xúc của họ về lịch sử, về văn hóa cội nguồn và xứ sở... Mỗi tác phẩm như là gợi ý, hay là trao chìa khóa để khán giả giải mã hình thức nghệ thuật và thông điệp của người xưa gửi gắm qua di sản. Nhờ vậy, những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống có thể được lan tỏa và phát huy trong cuộc sống hôm nay.
Họa sỹ Đặng Thị Khuê là Đại biểu Quốc hội Khóa VII. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1976, bà sớm có tác phẩm (chủ yếu là sơn dầu) về đề tài chống Mỹ và nhiều tranh cổ động. Những thực nghiệm tạo hình của bà đã được thực hành từ nhiều năm trước trong hướng tìm về phẩm chất đặc trưng của thẩm mỹ bản địa Việt Nam. Bà công bố triển lãm sắp đặt đầu tiên tại Mỹ năm 1998, triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 2003 và cùng năm tại Thụy Điển; trưng bày tại Italy năm 2012... |