Đặng Thị Huệ đã tiến thân như thế nào?

Nguyễn Khắc Thuần 25/03/2011 07:37

Đặng Thị Huệ người làng Chè, xã Phù Đổng (Hà Nội), vợ của chúa Trịnh Sâm. Vì là vợ chúa, lại người làng Chè nên đời vẫn gọi Đặng Thị Huệ là Bà Chúa Chè. Đặng Thị Huệ có nhan sắc, nói năng nhanh nhẹn, làm việc hoạt bát nên được phủ chúa chọn vào làm thị tỳ cho một trong những bà Tiệp Dư của chúa Trịnh Sâm là Trần Thị Vinh. Xét về thứ bậc thì Tiệp Dư chỉ là vợ thứ của chúa, cho nên, thị tỳ của vợ thứ chẳng danh giá gì. Tuy nhiên, thị tỳ Đặng Thị Huệ lại khôn khéo tận dụng mọi cơ hội để mở lối tiến thân và đã thành công. Chuyện tiến thân của Đặng Thị Huệ được sách HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ (hồi thứ nhất) chép như sau:

“Bấy giờ, bốn phương yên ổn, kho đụn đều tích chứa đầy, cho nên, chúa(1) dần dần kiêu căng, ăn chơi xa xỉ, phi tần và thị nữ được kén chọn rất nhiều, cốt sao đắm say cho thỏa thích. Một hôm, có bà Tiệp Dư tên là Trần Thị Vinh, sai ả nữ tỳ là Đặng Thị Huệ, bưng khay hoa đến dâng nơi chúa ngồi. Ả nữ tỳ này người làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, dáng người tuyệt đẹp. Chúa trông thấy thì ưa, bèn tư thông với ả. Từ đó Đặng Thị Huệ được chúa yêu quý, nói gì chúa cũng nghe theo, mọi chuyện trong phủ, chúa đều bàn với ả. Ả được đặc ân ở chung với chúa, cứ y như một cặp vợ chồng những nhà thường dân(2). Mọi vật dụng như xe, kiệu, áo quần... đều được sắm hệt như của chúa. Từ khi được chúa sủng ái, Đặng Thị Huệ bắt đầu lộng hành, hễ có chuyện gì không vừa ý là khóc vắn khóc dài, khiến chúa không thể yên tâm. Chúa có một viên ngọc dạ quang do tiên tổ của chúa đi đánh phương Nam lấy được. Chúa lấy làm quý, lúc nào cũng xỏ dây rồi kết trên khăn đội đầu để làm đồ trang sức. Một hôm, Đặng Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc, chúa liền nói:

- Nhà nhẹ tay chứ, mạnh thế lỡ ngọc bị xây xát thì sao?

Đặng Thị Huệ liền lấy viên ngọc, ném xuống đất, vừa khóc vừa nói rằng:

- Hạt ngọc mà là gì? Bất quá là vào Nam kiếm hạt khác về trả chúa, sao mà chúa nỡ trọng của khinh người đến thế?

Xong, ả bỏ ra cung khác mà ở, không chịu gặp chúa, khiến chúa phải bao phen dỗ dành, ả mới chịu trở về. Thế rồi ả có thai và chúa phải sai người đi khắp nơi cầu thần khấn Phật để ả có thể sinh hạ được thánh tử. Năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba mươi tám(3), ả sinh hạ được một đứa con trai. Chúa hết sức yêu quý đứa trẻ, lúc nó vừa được 100 ngày, chúa liền lấy tên của mình lúc nhỏ là Cán mà đặt cho con, ý rằng con cũng sẽ được như mình. Năm ấy có khoa thi Hương, chúa sai dùng hai câu là Sơn xuyên anh dụcHồ hải tú chung (nghĩa là khí thiêng núi sông tụ lại và sự tốt đẹp của hồ, của biển gộp nên) để làm đề thi. Thí sinh lắm kẻ cũng đón đưa ý chúa, dùng những chữ như Tinh huy hải nhuận (Sao sáng, biển hòa) để khéo mừng chúa mới sinh hạ con trai.

Khi Vương Tử Cán được đầy tuổi tôi, cốt cách dung mạo rất khôi ngô, khác hẳn với người thường. Khi biết nói, Vương Tử Cán đối đáp rõ ràng, cử chỉ không khác gì người lớn. Mỗi khi các quan văn võ vào hầu, Vương Tử Cán tiếp đón một cách nghiêm chỉnh. Có người cả năm sau mới gặp lại, Vương Tử Cán vẫn nhớ họ tên và kể lại việc gặp lần trước rất chính xác. Chúa sai quan Từ Hàn làm một bài tụng gồm mười sáu chữ để viên A Bảo(4) dạy theo lối truyền miệng cho Vương Tử Cán. Vương Tử Cán chỉ nghe qua một lần là thuộc lòng. Chúa thấy vậy, càng yêu quý Vương Tử Cán gấp bội. Đặng Thị Huệ thì từ đó bắt đầu ngầm có ý giành ngôi Thế tử cho con mình”.

Lời bàn: Với các đấng tu mi nam tử, tiến thân đường đường chính chính nhất vẫn là dựa vào thực tài hoặc là đại đức của mình. Với các bậc nữ nhi, tạo hóa còn ban thêm cho họ một đường tiến thân nữa, ấy là nhan sắc. Đặng Thị Huệ đã dùng nhan sắc của mình để tiến thân, tức là đã biết triệt để lợi dụng ơn huệ mà tạo hóa ban cho mình rồi vậy. Dừng ở đó, nếu như Đặng Thị Huệ chẳng phải là người đáng yêu thì quyết cũng không thể là người đáng ghét.

Ở đời, không có vực thẳm nào đáng sợ như vực thẳm của lòng tham, nó vô đáy nên có thể tiếp nhận mọi nguồn lợi riêng, bất kể sự tiếp nhận đó có gây phương hại cho ai hay không. Đặng Thị Huệ từ một cô gái thôn dã, trở thành một cô thị tỳ, từ một cô thị tỳ trở thành vợ không chính thức của chúa, Đặng Thị Huệ lại ngầm nuôi chí vượt lên, muốn đứng trên tất cả các bà phi tần của chúa đồng thời, giành ngôi Thế Tử cho con trai mình. Ở thời giành giật thì giành giật là sự thường, song le, ngẫm kỹ vẫn thấy có cái gì đó chan chát, khó diễn đạt nên lời.

Đặng Thị Huệ có nhan sắc, ấy là tài sản riêng của Đặng Thị Huệ, nhưng Đặng Thị Huệ tiến thân dễ dàng cũng bởi các phi tần của chúa đã vô tình giúp việc mở lối thênh thang cho Đặng Thị Huệ rồi vậy. Chỗ này xin được phép bàn riêng với các bà vợ của muôn đời, rằng: không có sự dại dột nào tệ hại bằng việc sai một cô gái xinh đẹp đi tặng hoa riêng cho chồng mình. Tạo hóa ban nhan sắc cho đàn bà để đàn bà hoan hỷ tặng lại cho đàn ông, cho nên, không cẩn trọng trong việc hoan hỷ tặng lại thì tai họa thật khó mà lường. Muôn đời đều thế cả.

_______________________________________

1. Chỉ chúa Trịnh Sâm, làm chúa từ năm 1767 - 1782.
2. Các bà vợ của vua chúa đều có cung thất riêng, chỉ khi nào có lệnh gọi mới được đến chứ không được ở chung như vợ chồng nhà thường dân
3. Tức năm 1777
4. Người trông coi việc dạy con của chúa

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đặng Thị Huệ đã tiến thân như thế nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO