Đặng Thai Mai - Người đặt nền móng cho lý luận phê bình văn học Việt Nam

Hương Sen 26/09/2014 08:47

Hội thảo Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai diễn ra sáng 25.9 một lần nữa khẳng định: Đặng Thai Mai là nhà văn hóa, nhà sư phạm mẫu mực, có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn nghệ và học thuật nước nhà. Ông thuộc về một trong những người mở đường, đặt nền móng cho nền mỹ học, lý luận và phê bình văn học ở Việt Nam.

Gs Đặng Thai Mai (1902 - 1984) từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giám đốc trường Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội… Cuộc đời và sự nghiệp Đặng Thai Mai là mẫu hình tiêu biểu cho sự gắn bó giữa trí thức và cách mạng. Trong suốt quá trình nghiên cứu, tiếp nhận những giá trị văn hóa tư tưởng tiến bộ và cách mạng, ông đã tự rèn luyện, bồi đắp và có được kho tàng tri thức uyên thâm, đã chọn lựa và định vị hoạt động văn hóa văn nghệ ở khu vực nghiên cứu lý luận về văn học nghệ thuật. Gs Hà Minh Đức cho biết: tác phẩm Văn học khái luận được Đặng Thai Mai viết năm 1944 là cuốn lý luận văn nghệ đầu tiên được viết theo quan điểm cách mạng, phê phán các lý thuyết duy tâm về văn học nghệ thuật, góp phần khẳng định đường lối của Đảng trong văn nghệ. Ông chỉ rõ chân lý trong nghệ thuật, phải ở độ chín, thật chín mới sáng tạo đắc đạo mới hành đạo.

Sau cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, Đặng Thai Mai viết về Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, những tác phẩm văn chương cổ điển của thời trung đại. Đặc biệt, Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1960) được viết với tri thức sâu sắc về thời cuộc, về các hoạt động văn hóa, tư tưởng và những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu ở thời kỳ này với cái nhìn đồng cảm, tinh thần nhập cuộc, thái độ trân trọng. Và cuối cùng, với trách nhiệm của người lãnh đạo văn học nghệ thuật, ông viết tác phẩm Trên đường học tập và nghiên cứu, (1959, 1965)… Qua sự nghiệp văn chương ông để lại bài học: không vội vàng, có bột mới gột nên hồ, học tập tích lũy khi đắc đạo mới nên hành đạo.

Đặng Thai Mai đã có quan điểm khá cởi mở về việc tiếp thu văn nghệ nước ngoài để làm giàu cho văn nghệ dân tộc, cũng như có quan niệm đúng về quan hệ văn học dân tộc và văn học thế giới. Ông có kiến thức sâu về văn học phương Đông, đặc biệt về văn học Trung Quốc, về văn học phương Tây, đặc biệt là văn học hiện đại Trung Quốc và văn học Pháp thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Gs Đặng Thai Mai đã cho xuất bản cuốn Lỗ Tấn, thân thế và sự nghiệp, Tạp văn trong văn học Trung Quốc hiện đại (1945), đánh dấu thành quả trong sự nghiệp nghiên cứu văn học. Gs, Ts Trần Đình Sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhắc lại câu nói của ông: nếu muốn gây dựng một nền văn học quốc gia đầy đủ, vững vàng thì ta càng cần thâu thái những tinh hoa của thế giới, của nhân loại.

Trong suốt cuộc đời làm văn hóa, Gs Đặng Thai Mai đã không ngừng suy tư về tu dưỡng nghệ thuật. Ông từng viết: Sự tu dưỡng nghệ thuật là một nhật lệnh thượng khẩn trong tình thế văn hóa hiện nay... Trong công cuộc đấu tranh trên chiến tuyến văn hóa, một nghệ thuật độc đáo, sắc sảo, sâu xa là một sự thắng lợi... Với Gs Hà Minh Đức - học trò của Gs Đặng Thai Mai, người thầy ấy luôn tâm niệm công trình lớn nhất, có giá trị hơn cả là công trình đào tạo biết bao môn sinh thành đạt.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đặng Thai Mai - Người đặt nền móng cho lý luận phê bình văn học Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO