Đằng sau những mục tiêu thiên niên kỷ

Nguyễn Hoàng
Theo PS
26/09/2012 08:37

Hôm nay, 26.9, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 67 sẽ thảo luận để đưa ra một chương trình mới thay thế cho các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG). Những mục tiêu tham vọng này – trải dài từ giảm một nửa số người nghèo khổ cho đến giảm 3/4 tỷ lệ tử vong sơ sinh hay phổ cập tiểu học và chấm dứt sự lan rộng HIV/AIDS – được dự tính sẽ đạt được vào cuối năm 2015. Khi ngày này đang đến gần, các chuyên gia phát triển đang hỏi nhau xem điều gì sẽ xảy ra?

Đằng sau những mục tiêu thiên niên kỷ ảnh 1
Nguồn: Toon Poo

Gần như có thể chắc chắn rằng nhiều mục tiêu thiên niên kỷ sẽ không đạt được vào cuối năm 2015, nhưng sẽ có một vài thành công vượt bậc trong một số lĩnh vực. Ví dụ, mục tiêu giảm 1/2 số người nghèo khổ (được tính bằng số người sống dưới 1,25 USD/ngày) chắc chắn sẽ đạt được trước thời hạn nhờ vào sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc.

Cùng lúc đó, có ít bằng chứng cho thấy những thành công này là kết quả của các MDG. Trung Quốc đã thực thi các chính sách xóa đói giảm nghèo lớn nhất trong lịch sử trước khi có Tuyên bố Thiên niên kỷ hay các MDG được xác lập. Tuy nhiên, rõ ràng MDG là thắng lợi chung của cả cộng đồng. Giống mọi nỗ lực PR khác, MDG đã nâng cao nhận thức, thu hút chú ý và tạo ra hành động vì một mục tiêu chung. Chúng nhân rộng cuộc đối thoại toàn cầu về phát triển và tự xác định các mục tiêu. Có bằng chứng cho thấy chúng khiến các nước phát triển chú ý hơn tới các nước nghèo.

Thực chất, các MDG có thể có ảnh hưởng rõ ràng nhất tới dòng vốn viện trợ  từ nước giàu tới nước nghèo. MDG không chỉ tăng dòng vốn mà còn lái chúng tới các nước nghèo và nhỏ hơn, hướng tới các khu vực mục tiêu như giáo dục và y tế. Tuy nhiên, vốn hỗ trợ không dính dáng trực tiếp tới kết quả và càng khó hơn để biết rằng liệu nó có ảnh hưởng trực tiếp hay không.

Có 8 mục tiêu, 21 chỉ tiêu và 60 chỉ số trong MDG. Nhiều tranh luận đã tập trung vào việc sử dụng các chỉ tiêu và chỉ số được xác lập theo con số vì chúng không đo lường chính xác và khiến sự tập trung vào mọi khu vực quan trọng như nhau. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào cũng cần phải được đo lường chính xác và giám sát được kết quả và đặt ra các con số mục tiêu là cách tốt nhất để làm vậy.

Dẫu vậy vẫn có những tranh luận về MDG. Tuyên bố Thiên niên kỷ được định hướng là bản hợp tác giữa các nước giàu và các nước nghèo. Những nước nghèo hứa tái tập trung vào các nỗ lực phát triển trong khi các nước giàu hứa sẽ giúp đỡ họ với vốn, công nghệ và cho phép họ tham gia vào thị trường. Nhưng, kỳ lạ thay, trong số tám mục tiêu, chỉ có mục tiêu cuối cùng nói về “hợp tác toàn cầu”, hay những nước giàu có thể và nên làm gì.

Kể cả ở mục tiêu này, MDG cũng không có con số cụ thể nào về trợ giúp tài chính hay bất kỳ sự giúp đỡ cụ thể nào của các nước giàu, đối ngược lại với những mục tiêu liên quan đến nghèo đói rất cụ thể của các nước đang phát triển. Có thể nó nói lên rằng “bản đồ tiến bộ” được chuẩn bị bởi Chương trình Phát triển LHQ, cơ quan chịu trách nhiệm báo cáo về tiến trình đạt được MDG, chỉ theo dõi số lượng truy cập internet mà thôi.

Vẫn chưa rõ ràng tại sao chúng ta lại cần tới nỗ lực toàn cầu để thuyết phục các nước đang phát triển điều gì là tốt cho họ. Xóa giảm đói nghèo và phát triển con người nên đứng đầu trong danh sách các việc của chính phủ, dù có hay không MDG.

Tất nhiên, các chính phủ thường theo đuổi những mục tiêu khác nhau vì những lý do chính trị, quân sự hay lý do nào khác, nhưng sẽ là duy ý chí nếu tin rằng họ có thể bị thuyết phục để hành động khác đi bởi một tuyên bố quốc tế thiếu vắng cơ chế giám sát bắt buộc. Nếu có học được điều gì từ quá khứ, thì đó là cải cách thật sự không thể diễn ra chỉ với tiền của nhà tài trợ, chưa nói đến sự mơ hồ của dòng tiền này.

Những xem xét trên đây đã đưa tới một hướng đi hiển nhiên cho các MDG. Đầu tiên, một sự phối hợp toàn cầu nên tập trung trực tiếp hơn vào trách nhiệm của các nước giàu. Thứ hai, cần phải nhấn mạnh các chính sách khác bên cạnh thương mại và hỗ trợ để có được một ảnh hưởng lớn hơn tới triển vọng phát triển của các nước nghèo. Đó có thể là thuế carbon và các biện pháp khác để tránh thay đổi khí hậu; nhiều visa làm việc hơn để cho phép dòng nhập cư tạm thời từ các nước nghèo; kiểm soát chặt chẽ buôn bán vũ khí tới các nước đang phát triển; giảm trợ cấp các chính phủ độc tài; tăng cường chia sẻ thông tin tài chính để giảm rửa tiền và trốn thuế. Nên nhớ rằng hầu hết các biện pháp này đều hướng tới việc giảm thiệt hại  – ví dụ thay đổi khí hậu, xung đột vũ trang và tội phạm tài chính.

Việc tái định hướng này sẽ không dễ dàng. Các nước phát triển chắc chắn sẽ phản đối bất kỳ cam kết mới nào. Nhưng hầu hết những biện pháp này đều không tốn tiền, và như MDG đã cho thấy, đặt ra mục tiêu có thể được dùng để tạo ra hành động từ các nước giàu. Nếu cộng đồng quốc tế định đầu tư vào một sáng kiến chung mới, họ nên tập trung vào những lĩnh vực nào có thể mang lại nhiều lợi ích nhất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đằng sau những mục tiêu thiên niên kỷ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO