Đằng sau con số ấn tượng

- Thứ Sáu, 18/12/2020, 06:41 - Chia sẻ

Bộ Tư pháp đang tổng hợp, xây dựng Dự thảo 15 sự kiện nổi bật năm 2020 của ngành tư pháp. Một trong 15 sự kiện nổi bật đó là kết quả công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là giá trị thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ Tư pháp, năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả thông qua các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp diễn biến, tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Toàn hệ thống thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành xong trên 53.000 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019. Trong đó, án tham nhũng, kinh tế thi hành xong trên 15.000 tỷ đồng; đặc biệt, các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi thi hành xong trên 14.000 tỷ đồng, bằng tổng số tiền đã thi hành xong kể từ năm 2013 đến hết 2019.

Bộ Tư pháp cho rằng, kết quả thi hành án dân sự trong năm qua đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Có thể nói, việc Bộ Tư pháp đưa kết quả công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là giá trị thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng để lấy ý kiến làm sự kiện nổi bật của ngành tư pháp năm 2020 là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, lâu nay, kết quả thi hành án, nhất là thi hành án tham nhũng, kinh tế gặp nhiều vướng mắc. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nhận định, trong các vụ án tham nhũng, đối tượng phạm tội là chủ thể đặc biệt, có thủ đoạn, có chuyên môn để che giấu hành vi. Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện, các đối tượng quan hệ chặt chẽ, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định. Các vụ án này thường xảy ra lâu mới được phát hiện, đối tượng đã cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu.

Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, quá trình giám định cũng gặp nhiều trở ngại. Đây chính là những lý do dẫn đến việc xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế trước đây thường bị kéo dài. Do đó, các đối tượng khi bị “đánh động” đã tìm cách tẩu tán tài sản. Hậu quả, những đối tượng dù chiếm đoạt lượng tiền lớn nhưng không còn tài sản để thi hành án. Tiền, tài sản của Nhà nước đã “chảy” vào túi cá nhân tham nhũng nhưng không có cơ hội để thu hồi.

Tuy vậy, với quyết tâm xử lý tham nhũng không có vùng cấm, năm 2020, việc xử lý các vụ án tham nhũng, trong đó có kết quả thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười cho thấy, kết quả thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó, đối với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng, số thi hành xong là 3.605 việc, đạt tỷ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành, tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 43,42% số có khả năng thi hành, tăng 14,01% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể nói, những kết quả đã đạt được trong thi hành án, trong đó giá trị thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế năm 2020 là rất ấn tượng. Và ở góc độ nào đó, đây là một kết quả đáng mừng, cho thấy nỗ lực rất lớn của cơ quan thi hành án dân sự, cũng như quyết tâm xử lý các vụ án tham nhũng của chúng ta thời gian qua. Nhưng nếu như có cơ chế quản trị tốt hơn, cơ chế kiểm tra, kiểm soát và giám sát tốt hơn, chúng ta đã ngăn chặn được kịp thời vi phạm. Và đương nhiên, sẽ không có những con số hàng nghìn tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng cần phải thi hành án.

Bản án có hiệu lực pháp luật đương nhiên phải thi hành. Tiền tham nhũng phải thu hồi về cho Nhà nước. Tuy nhiên, sẽ là lý tưởng hơn nếu chúng ta có biện pháp để ngăn chặn không phát sinh hành vi tham nhũng. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đó là phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng", một cơ chế để "không cần tham nhũng".

Hà An