Đằng sau chuyến thăm lịch sử

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:23 - Chia sẻ
Thủ tướng Pakistan Imran Khan mới đây đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên được đánh giá là “lịch sử” tới Kabul, nơi ông cam kết sẽ “làm mọi thứ” để giúp kiềm chế bạo lực và thúc đẩy ngừng bắn giữa Taliban và lực lượng Afghanistan.

Chọn thời điểm

Bên cạnh những cam kết nói trên của Thủ tướng Khan, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết mục tiêu chung của hai nước là “vượt qua sự ngờ vực đã ám ảnh mối quan hệ của chúng ta”, coi chuyến thăm mang tính “lịch sử” và là “thông điệp quan trọng để giúp chấm dứt bạo lực”. Ông đồng thời nói thêm: “Chúng tôi hiểu rằng một tầm nhìn chung liên quan đến hợp tác không chỉ cần thiết cho mối quan hệ giữa Afghanistan và Pakistan, mà còn là dấu hiệu của sự kết nối, hợp tác khu vực”. Trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Afghanistan thông báo, ông đã nhận lời mời thăm Pakistan và sẽ thực hiện chuyến đi này sớm, có thể vào quý đầu năm sau. Chuyến thăm lần trước của Tổng thống Ghani tới Pakistan là vào tháng 6 năm ngoái.

Trước đó, tuyên bố của Pakistan đưa ra cũng có nội dung tương tự, trọng tâm của các cuộc thảo luận sẽ là “làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương huynh đệ giữa Pakistan và Afghanistan, tiến trình hòa bình Afghanistan, phát triển và kết nối kinh tế khu vực”. Thực tế, đây là chuyến công du Afghansitan đầu tiên của Thủ tướng Khan kể từ khi nhậm chức 2 năm trước. Đây cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức chính quyền Islamabab tới Kabul kể từ khi các cuộc hòa đàm bắt đầu giữa Taliban và Afghanistan ở Thủ đô Doha, Qatar vào tháng 9.

Chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan cũng diễn ra vào thời điểm hai bên có sự gắn kết cao độ, thể hiện qua nhiều chuyến thăm của các quan chức Chính phủ Afghanistan tới Pakistan trong những tháng trước đó, bao gồm cả Trưởng ban Hòa bình Afghanistan Abdullah Abdullah, Chủ tịch Hạ viện Rahman Rahmani và Bộ trưởng Thương mại Nisar Ahmad Ghoraini. Vào tháng 10, Pakistan cũng tiếp đón ông Gulbuddin Hekmatyar, thủ lĩnh của Hizb-e-Islami, một nhóm vũ trang ở Afghanistan đã hạ vũ khí năm 2016.

Nguồn: Reuters 

Trọng tâm thực sự

Bên cạnh tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương và phát triển kinh tế, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban tại Doha mới là trọng tâm thực sự trong chuyến thăm của Thủ tướng Khan.

Thực tế, các cuộc đàm phán lịch sử giữa hai bên nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 19 năm ở Afghanistan đã bắt đầu vào tháng 9 sau khi Mỹ trước đó đã ký một thỏa thuận với Taliban vào tháng 2. Trong khi các cuộc đàm phán tiếp tục, tiến độ của chúng diễn ra rất chậm và cả hai vẫn chưa thống nhất được khuôn khổ về cách thức tiến hành. Thậm chí hôm 17.11, Mỹ còn tuyên bố sẽ giảm mạnh số quân Mỹ tại Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 người trước khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có thể phải rời nhiệm sở vào giữa tháng 1 năm sau, đẩy nhanh việc rút quân của xứ sở cờ hoa. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng, trong đó Taliban tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các nhà lãnh đạo chính phủ, lực lượng an ninh và dân thường. Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan Tariq Arian, trong 6 tháng đầu năm nay, Taliban đã tiến hành 53 vụ tấn công liều chết khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Sau thông báo của Mỹ, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, việc rút quân “vội vàng” của Mỹ, nước đang dẫn đầu liên minh NATO ở Afghanistan, có thể dẫn đến bạo lực leo thang hơn nữa. Ông từng cảnh báo: “Bây giờ chúng tôi phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Chúng tôi đã ở Afghanistan gần 20 năm và không đồng minh NATO nào muốn ở lại lâu hơn mức cần thiết. Nhưng đồng thời, cái giá phải trả cho việc rời đi quá sớm hoặc không phối hợp có thể rất cao”.

Nhiều người lo ngại, tình trạng bạo lực và hỗn loạn trong khu vực ngày càng tồi tệ, thậm chí một số ý kiến còn nhận định bối cảnh căng thẳng hiện tại có thể thúc đẩy những nhánh địa phương của nhóm Nhà nước Hồi giáo tập hợp lại và tệ nhất là có thể cố gắng xây dựng một “caliphate” (nhà nước Hồi giáo) khác.

Lâu nay, cả Washington lẫn Kabul đều đánh giá cao vai trò quan trọng của Islamabad trong các cuộc hòa đàm giữa chính quyền Afghanistan và lực lượng Taliban, đặc biệt là ảnh hưởng của Pakistan đối với giới lãnh đạo Taliban.

Tuy nhiên, theo AP, một số người Afghanistan vẫn nhìn Pakistan bằng con mắt ngờ vực, họ đổ lỗi cho Pakistan về sự trỗi dậy của Taliban cũng như tạo cho lực lượng nổi dậy một nơi trú ẩn an toàn để hoạt động. Theo họ, Pakistan muốn giữ Taliban làm đòn bẩy để chống lại ảnh hưởng của “kình địch” Ấn Độ tại Afghanistan. Bởi Ấn Độ lâu nay vẫn chỉ trích bất kỳ chính phủ hậu chiến nào ở Afghanistan, bao gồm cả Taliban. Thực tế, Pakistan hay bị quốc tế chỉ trích vì ủng hộ một số nhóm chiến binh và phản đối những nhóm khác. Trong khi quân đội và các chính trị gia Pakistan nói rằng chính sách đó đã lùi vào quá khứ, các nước láng giềng của Islamabad vẫn chưa tin hẳn.

Ngọc Minh