Đảng là Đảng ta, của dân tộc ta

- Thứ Năm, 28/11/2013, 20:51 - Chia sẻ
Ngay sau khi QH thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi), PHÓ CHỦ TỊCH QH, PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 UÔNG CHU LƯU đã trả lời báo chí. Phó chủ tịch QH khẳng định, bản dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) là thành quả của quá trình làm việc rất công phu, nghiêm túc, phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là ý kiến, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, của các ĐBQH. Với Điều 4 trong Hiến pháp lần này đã một lần nữa khẳng định: Đảng là Đảng ta, Đảng của dân tộc ta.

 Phút giây thiêng liêng này cả Hội trường Quốc hội đứng cả dậy vỗ tay - Thắng lợi của xu thế cách mạng Việt Nam                                  
Ảnh:Lâm Hiển

PV: Một trong những điều mới nhất trong bản Hiến pháp QH vừa thông qua là những quy định về quyền con người. Ý kiến của Phó chủ tịch về nội dung này như thế nào?

PCT UÔNG CHU LƯU: Có thể thấy, Chương V của Hiến pháp năm 1992 hiện hành có quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong Hiến pháp sửa đổi lần này, chúng ta đã đưa nội dung này từ Chương V lên sau Chương I về Chế độ chính trị, đặt ở Chương II của bản Hiến pháp. Riêng bố cục như vậy đã thể hiện tầm quan trọng và vị trí của chương về quyền con người. Tên chương cũng đã có sự thay đổi, trong Hiến pháp năm 1992 hiện hành là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, còn trong bản Hiến pháp sửa đổi QH vừa thông qua là: quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân để khẳng định Nhà nước ta cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như những công ước quốc tế mà nước ta đã là thành viên. Và đây cũng là thành quả của hơn 30 năm đổi mới, phát triển của đất nước ta. Cho nên, có thể nói, trong chương này có rất nhiều điều, khoản làm rõ quyền con người; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề bảo đảm quyền con người và quyền, nghĩa vụ của công dân. Và bản Hiến pháp cũng khẳng định những trường hợp nào hạn chế đến quyền con người, quyền công dân thì phải theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết và vì những lý do thật cụ thể đã quy định rõ trong Hiến pháp sửa đổi lần này so với Hiến pháp trước đây.

PV: Vậy làm thế nào để những quy định tốt đẹp này về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được thực thi triệt để trong cuộc sống?

PCT UÔNG CHU LƯU: Quyền về tự do, dân chủ, quyền lập hội, biểu tình đã được quy định không phải chỉ trong bản Hiến pháp lần này mà tất cả các bản Hiến pháp trước đều đã hiến định. Để triển khai thực hiện thì rõ ràng tới đây chúng ta phải ban hành Luật quy định rõ điều kiện, thủ tục, trình tự để công dân thực hiện các quyền đó. Đây là những quyền hiến định.

PV: Thưa Phó chủ tịch, bản Hiến pháp lần này có một số sửa đổi, bổ sung liên quan đến kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì bản Hiến pháp sửa đổi lần này có sự đột phá nào cho yêu cầu đổi mới thể chế kinh tế không?

PCT UÔNG CHU LƯU: Về thể chế kinh tế, ngay Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, tại Điều 51 Hiến pháp (sửa đổi) đã khẳng định mục tiêu của mô hình kinh tế của Nhà nước ta, thể hiện một cách nhất quán, khẳng định: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Và các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Đây là một ý rất quan trọng.

Thứ hai, cũng trong Chương III, Hiến pháp (sửa đổi) nói rõ các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước, kinh tế đầu tư nước ngoài, các thành phần kinh tế đều được Nhà nước bảo hộ. Và Nhà nước không quốc hữu hóa những tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư, của các nhà sản xuất, kinh doanh. Đây là một thông điệp rất quan trọng.

Và thứ ba, Hiến pháp (sửa đổi) lần này khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của các thành phần kinh tế, của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, kể cả cá nhân, đều được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm. Đây là quyền thiêng liêng của họ.

PV: Với tư cách là thành viên của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó chủ tịch có băn khoăn hay tiếc nuối về nội dung nào chưa được đưa vào Hiến pháp (sửa đổi) lần này không? Ví dụ, bản dự thảo ban đầu trình QH có quy định về Hội đồng Hiến pháp, nhưng đến bản dự thảo cuối trình QH thông qua không có nội dung này nữa…?

PCT UÔNG CHU LƯU: Đây là một câu hỏi thú vị. Ở đây chúng ta đang triển khai một chủ trương, chính sách rất lớn là kiểm soát quyền lực và đã đưa vào Hiến pháp (sửa đổi) lần này tại Điều 2 ghi rằng, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để bảo đảm quyền lực của nhân dân được thực thi, thực hiện một cách nghiêm chỉnh, có hiệu lực và hiệu quả.

Thế thì, trong cơ chế kiểm soát quyền lực không đưa Hội đồng Hiến pháp vào ngay bây giờ, nhưng trong các chương, điều khác của Hiến pháp cũng thể hiện trên tinh thần của nguyên tắc đó. Ví dụ như quyền lập pháp là thuộc về Quốc hội; quyền hành pháp thuộc về Chính phủ; quyền tư pháp thuộc về các cơ quan xét xử là Tòa án nhân dân. Và trong các chương đó đều đã phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Chính sự phân công đó cũng là tạo điều kiện cho việc kiểm soát quyền lực.

Hơn nữa, trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này, theo đề nghị của ĐBQH và của cử tri, chúng ta thấy rằng cần phải ghi rõ trong chương về hiệu lực thi hành Hiến pháp một điều, khoản về trách nhiệm của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác của Nhà nước; và trách nhiệm của toàn dân trong vấn đề bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng tính nghiêm minh của Hiến pháp theo tư tưởng Nhà nước pháp quyền. Đây là điều thể hiện tinh thần kiểm soát quyền lực. Còn trong điều kiện hiện nay, với cơ chế bảo hiến đã có thì lần này trong Hiến pháp quy định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan. Hội đồng Hiến pháp là việc mới, cho nên ý kiến còn khác nhau. Qua quá trình nghiên cứu, thảo luận vẫn có ý kiến chưa tán thành. Cho nên, nhữäng nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã nêu ra từ đầu là: nếu vấn đề gì chưa có sự đồng thuận cao, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, mặc dù biết đó là một phương tiện rất cần thiết, nhưng vẫn phải tiếp tục nghiên cứu.

PV: Thưa Phó chủ tịch, bản Hiến pháp (sửa đổi) được QH thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao, chiếm gần 98% tổng số ĐBQH có mặt. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

PCT UÔNG CHU LƯU: Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi trình QH thông qua lần này là một quá trình làm việc rất công phu, nghiêm túc, phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là ý kiến, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, của các ĐBQH. Tỷ lệ phiếu tán thành đã phản ánh sự đồng thuận, thống nhất về những quy định của Hiến pháp sửa đổi.

PV: Thưa Phó chủ tịch, cử tri rất kỳ vọng vào quyết định của mỗi ĐBQH trong quyết định lịch sử thông qua Hiến pháp lần này. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, có 2 ĐBQH không biểu quyết khi xem xét, thông qua Hiến pháp. Ý kiến của Phó chủ tịch về việc này như thế nào?

PCT UÔNG CHU LƯU: Đó là chính kiến của ĐBQH, quyền của ĐBQH chứ không thể áp đặt. Không thể nói là tất cả 100% tổng số ĐBQH phải thực hiện theo tinh thần của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đó là ý kiến của họ. Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường trong xã hội bây giờ.

PV: Bản Hiến pháp (sửa đổi) QH thông qua lần này, như Phó chủ tịch có nói, đây là sản phẩm mang tính chất toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vậy thì Đảng ta đóng góp gì và giữ vai trò như thế nào trong quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này?

PCT UÔNG CHU LƯU: Với câu hỏi này, các bạn đã trở lại với Điều 4. Hiến pháp sửa đổi lần này tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có mấy điểm lớn. Một là, Hiến pháp lần này thể hiện rõ hơn bản chất của Đảng ta. Chúng ta nói một cách công khai và đưa vào trong Hiến pháp: Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành của giai cấp công nhân đồng thời cũng là đại biểu trung thành của nhân dân lao động và của cả dân tộc... Khẳng định như vậy để nói rằng: Đảng là Đảng ta, Đảng của dân tộc ta.

Thứ hai, Hiến pháp sửa đổi lần này khẳng định vị trí lãnh đạo Nhà nước xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hơn mà trong quá trình đóng góp ý kiến, cử tri và ĐBQH mong muốn là phải xác định rõ trách nhiệm của Đảng so với bản Hiến pháp trước đây. Trước đây trong Điều 4, chúng ta không nói rõ trách nhiệm của Đảng thì lần sửa đổi này đã đưa vào Hiến pháp và nhấn mạnh: một là Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân - đấy là sức sống của Đảng; hai là Đảng phải phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Bởi vì Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo đó. Nhưng sự lãnh đạo đó thể hiện bằng những quyết định cụ thể, nếu như quyết định không đúng, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước dân tộc. Đây là điểm rất mới.

Còn trong quá trình chỉ đạo, tham gia sửa đổi Hiến pháp lần này, có thể nói là ngay Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như ngay trong báo cáo của UBTVQH gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ, đây là quá trình thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); cụ thể hóa những điểm lớn, những mục tiêu mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về mục tiêu, quan điểm, định hướng, cho nên có thể nói Đảng gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng bản Hiến pháp lần này. Như Chủ tịch QH, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói, bản Hiến pháp trình QH thông qua lần này là sự kết tinh của ý Đảng và lòng dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; thể chế hóa được đường lối, chủ trương, đường lối của Đảng cũng như thực tiễn Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu bảo vệ và phát triển đất nước.

PV: Xin cám ơn Phó chủ tịch!

N. Giang lược ghi