Đăng ký tư cách pháp nhân cho các tổ chức xã hội để hoạt động phòng, chống HIIV/AIIDS đạt hiệu quả

Thiều Anh Thơ 25/12/2012 15:43

Xác định nhu cầu phát triển, cụ thể là nhu cầu đăng ký tư cách pháp nhân và nhu cầu nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội là điều cần thiết và quan trọng. Việc đăng ký tư cách pháp nhân phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của từng tổ chức, dựa trên thực lực, khả năng đáp ứng đối với những điều kiện của hình thức đăng ký tư cách pháp nhân, cũng như khả năng duy trì hoạt động của tổ chức sau khi có tư cách pháp nhân.

Các tổ chức xã hội cần được tiếp cận về khung pháp lý hiện hành

Nhu cầu đăng ký tư cách pháp nhân của các tổ chức xã hội đã được đặt ra trong nhiều năm trở lại đây nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết được. Mục tiêu của các tổ chức xã hội là tập hợp những người cùng cảnh ngộ lại với nhau để tương hỗ nhau trong cuộc sống, nhưng hoạt động và duy trì hoạt động của các tổ chức lại liên quan đến kinh phí. Không có tư cách pháp nhân, các tổ chức gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp nhận hỗ trợ tài chính, đặc biệt từ các nguồn nước ngoài. 

Theo khảo sát của nhóm tư vấn Ban Quản lý Dự án Thành phần VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS thì hiện nay chỉ có 4/129 tổ chức xã hội đã đăng ký tư cách pháp nhân. Các tổ chức chưa được tiếp xúc với nguồn thông tin chính xác về khung pháp lý cho việc đăng ký tư cách pháp nhân. Tư cách pháp nhân còn mới mẻ đối với một số tổ chức, rất ít các tổ chức tiếp xúc với Trung tâm hỗ trợ pháp lý hoặc cơ quan liên quan để tìm hiểu về đăng ký tư cách pháp nhân. Lý do chính là các tổ chức không biết tìm thông tin ở đâu, gặp khó khăn khi tìm thông tin, không nắm rõ khung pháp lý điều chỉnh và các chính sách dành cho tổ chức, ngại tiếp xúc với cơ quan đăng ký, chưa bàn bạc thống nhất trong nhóm, cảm thấy trình độ của nhóm còn yếu khiến cho các tổ chức chưa hoặc không tìm hiểu thông tin về tư cách pháp nhân. Bên cạnh đó, về phía các cơ quan hướng dẫn đăng ký tư cách pháp nhân thì nhiều cơ quan không có cán bộ chuyên trách, thiếu năng lực bảo đảm chính sách cho các tổ chức đăng ký theo quy định. Các văn bản pháp lý chồng chéo, thiếu hoặc không rõ ràng, các thủ tục phức tạp và cần có ý kiến của nhiều cơ quan khác nhau, các ý kiến khác nhau.

Hiện nay, hầu hết các tổ chức xã hội quan tâm đến việc đăng ký hoạt động với chính quyền và cơ quan ban ngành, đoàn thể địa phương hơn là đăng ký tư cách pháp nhân. Một số tổ chức chỉ mong được Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương tổ chức hoạt động cấp thẻ tiếp cận khách hàng nên vẫn chưa tạo được niềm tin đối với chính quyền. Do vậy, các tổ chức đã gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký hoạt động của nhóm. Điều này cho thấy, các tổ chức xã hội chưa nhìn nhận được sự quan trọng và cần thiết của việc đăng ký tư cách pháp nhân trong quá trình hoạt động của tổ chức. Khi có tư cách pháp nhân, các tổ chức có sự chủ động trong công việc, có quyền quyết định đường hướng, hình thức và nội dung hoạt động của tổ chức. Tổ chức có khả năng tự tìm nguồn tài trợ cũng như tự điều đình hoặc thương lượng với nhà tài trợ. Vận mệnh và đường lối phát triển của tổ chức do chính nhóm tự quyết định. Do vậy, đăng ký tư cách pháp nhân là một minh chứng cho khả năng, chỗ đứng và vị thế của nhóm trong công việc cũng như trong các hoạt động xã hội.

Nâng cao năng lực hoạt động từ việc đăng ký tư cách pháp nhân

Các tổ chức càng trẻ, thời gian đi vào hoạt động ngắn thì mong muốn đăng ký tư cách pháp nhân càng cao. Các tổ chức mong muốn có tư cách pháp nhân để tổ chức phát triển mang tính bền vững, để được xã hội công nhận, để dễ dàng nhận tài trợ, hay để tập hợp mọi người dễ dàng hơn. Do đó, nhiều tổ chức xã hội nhìn nhận rằng việc đăng ký tư cách pháp nhân lại là cần thiết đối với nhóm và họ đã tìm ra được hướng đúng, loại hình đăng ký tư cách pháp nhân phù hợp với tổ chức của mình. Theo chia sẻ của Hợp tác xã Thương mại Sông Lam Xanh – tỉnh Nghệ An, tổ chức đã đăng ký tư cách pháp nhân thành công thì các tổ chức xã hội có nhu cầu là được tập huấn về các khung chính sách có liên quan tới đăng ký tư cách pháp nhân; và sau tập huấn, có cá nhân hoặc cơ quan đầu mối để liên lạc, xin tư vấn hoặc giúp giải đáp thắc mắc khi các nhóm mong muốn đăng ký tư cách pháp nhân. 

Để hoạt động phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả, các tổ chức xã hội cần tìm kiếm cơ hội tập huấn về đăng ký tư cách pháp nhân, chủ động tìm tới các trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý để có được thông tin chính xác và được tư vấn loại hình đăng ký nào phù hợp với tổ chức của mình. Trong đó, việc nâng cao năng lực cho thành viên ban điều hành, hướng dẫn về hình thức đăng ký, và hỗ trợ tài chính cho hoạt động là 3 nhu cầu cấp thiết nhất mà các tổ chức cần hỗ trợ nhằm đảm bảo cho việc đăng ký tư cách pháp nhân. 

Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương cần cung cấp thông tin về nghị định, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hoặc các thông báo liên quan đến hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho các tổ chức trên các cổng thông tin chính thống và truyền đạt đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể theo ngành dọc, nhằm hỗ trợ các tổ chức xã hội có một môi trường chính sách thông thoáng để tham gia và cống hiến vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ngoài ra, Trung tâm Phòng chống AIDS tại các tỉnh, thành phố cần thực hiện các hội thảo, khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ quan, ban ngành khác cũng như những cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động HIV/AIDS. Trung tâm Phòng chống AIDS phối hợp với Dự án Quỹ Toàn cầu tại địa phương để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội với tư cách là đơn vị điều phối, đơn vị tổ chức, chuyên viên tư vấn hay giảng viên nguồn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đăng ký tư cách pháp nhân cho các tổ chức xã hội để hoạt động phòng, chống HIIV/AIIDS đạt hiệu quả
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO